Giữa lúc Trung Quốc, Philippines và Việt Nam tái khẳng định chủ quyền của mình tại Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, và tiếp tục lời qua tiếng lại đổ lỗi cho nhau là đã làm tăng căng thẳng trong khu vực, những diễn tiến mới trong cuộc tranh chấp đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới.
Tờ The Wall Street Journal, số ra ngày hôm nay, thuật lại những sự kiện gần đây trong vùng biển Đông và những phản ứng tại Việt Nam, với hàng trăm người tham gia biểu tình tại Hà Nội vào cuối tuần qua để phản đối các hành động của Trung Quốc.
Báo này nói những cuộc biểu tình hay tập hợp của công chúng hiếm khi diễn ra ở Việt Nam, cho nên khi dân chúng biểu tình, thì đây là một dấu hiệu cho thấy nhà nước Việt Nam coi vấn đề đủ nghiêm trọng để cho phép các cuộc tập hợp như thế.
The Wall Street Journal nói mặc dù những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông từ lâu vẫn gây căng thẳng trong khu vực, trong vài năm trở lại đây, ngoại giao đã chuyển hướng để trở nên đối nghịch hơn, ngay cả trước khi Bắc Kinh tuyên bố vùng biển này là 'quyền lợi cốt lõi' của họ.
Theo tờ báo này thì trước chiều hướng đó, Hà Nội phần lớn vẫn giữ im lặng.
Vietnam Net Bridge đã đăng một bài phỏng vấn Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh tại diễn đàn an ninh Shrangri-La, Singapore, trong đó Phó Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói rằng sự kiện mới đây ở Biển Đông không đủ nghiêm trọng để Việt Nam phải củng cố lực lượng hải quân một cách quá vội vã.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo, hỏi rằng Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ các hoạt động dò tìm dầu hỏa tại Biển Đông, Tướng Nguyễn Chí Vịnh xác nhận Việt Nam không dò tìm dầu hỏa trong các khu vực tranh chấp mà chỉ trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và ông đơn cử trường hợp tàu Bình Minh 2, sau khi đươc sửa chữa, đã tiếp tục các hoạt động dò tìm của mình.
Trong suốt chiều dài lịch sử, giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn xảy ra nhiều cuộc đối đầu, mặc dù quan hệ đã cải thiện trong nhiều năm qua với nước láng giềng phương Bắc vẫn được coi là kẻ thù truyền thống của Việt Nam, đã khiến Hà Nội giờ đây ngại ngần, không tỏ ra quyết liệt hơn liên quan tới cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Dưới hàng tít 'Việt Nam và Con Rồng', ám chỉ Trung Quốc, bài báo ghi thêm tiêu đề: Đông Nam Á cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống chọi với hành động hiếp đáp của Trung Quốc.
Trong thời gian qua, nhiều nhà hoạt động tích cực, và các blogger chỉ trích chính sách ngoại giao mềm mỏng đó của Hà nội đối với Bắc Kinh, đã bị bắt bớ và tống giam. Nhưng tờ The Wall Street Journal nhận định rằng giờ đây, dường như Hà nội đang chuẩn bị để kêu gọi sự chú ý rộng rãi hơn của công luận quốc tế về vấn đề này.
Tờ báo nói từ bỏ chính sách ngoại giao ôn hòa đó để công khai hậu thuẫn tình cảm bài Trung Quốc của công chúng là 'tự sát', trừ phi Hà nội có lý do để tin rằng Việt Nam có nhiều đồng minh hậu thuẫn mình.
Lên tiếng hồi cuối tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã góp tiếng cùng các vị tương nhiệm Philippine và Malaysia, tiếp tục nhấn mạnh rằng cuộc tranh chấp với Trung Quốc phải được giải quyết mà không có sự can thiệp của các bên thứ Ba.
Tuy nhiên, mới đây dường như đang có khuynh hướng ủng hộ một vai trò cho các bên thứ Ba đặc biệt là Hoa Kỳ, trong các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Tại Diễn Đàn An Ninh Châu Á ở Singapore hồi cuối tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates nói giải pháp tốt nhất để giải quyết vụ tranh chấp hiện nay là nhờ đến một bên thứ Ba đứng ngoài làm trung gian điều giải.
Ông Robert Gates nói ông lo sợ rằng nếu không phác họa ra luật chơi một cách rõ ràng, và đồng thuận về hướng tiếp cận để xử lý vấn đề, thì các vụ đụng độ khác sẽ tiếp tục xảy ra trong vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Những cố gắng của ASEAN cho tới nay đã tỏ ra không mấy hữu hiệu. Tờ báo nói với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, ASEAN sẽ có thể đưa ra một mặt trận thống nhất hơn, để có thể giúp các nước hội viên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, đối đầu ngang hàng hơn trước thái độ cứng rắn hơn của Trung Quốc liên quan tới cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Nguồn: The Wall Street Journal, VietnamNet