Giá thịt heo, loại thịt được ưa chuộng nhất của người Hoa, đã tăng mạnh năm nay, buộc nhiều người Hoa phải bớt ăn món này.
Cách nay vài thập niên, thịt là món xa xỉ tại Trung Quốc. Lương thực hồi đó được phân phối chặt chẽ theo khẩu phần cho tới những năm 1980. Những cải cách kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980 đã làm nền tảng cho tăng trưởng kỳ diệu của Trung Quốc. Và, như điều xảy ra mọi nơi khi người ta ra khỏi cảnh bần cùng, người Trung Quốc bắt đầu ăn ngon hơn.
Tiêu thụ thịt heo của người Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi từ năm 1990, và họ cũng ăn thịt gà nhiều gấp 5 lần.
Nhưng heo và gà cũng phải có cái ăn. Theo ông Hui Jiang, phân tích gia thuộc bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nuôi ăn những đàn trâu bò gà vịt gia tăng nhanh chóng đã biến Trung Quốc thành quốc gia tiêu thụ đậu nành nhiều nhất thế giới:
“Mươi, mười lăm năm trước, Trung Quốc gần như không nhập khẩu đậu nành. Chỉ từ giữa thập niên 1990, mức nhập loại hàng này của họ đã tăng mạnh, tới mức bây giờ người Trung Quốc chiếm trên phân nửa các thương vụ đậu nành trên thế giới.”
Những nhà trồng đậu nành, chẳng hạn như nông gia Dave Burrier tại Maryland đã chứng kiến giá đậu nành tăng gần gấp đôi từ khi Bắc Kinh bước vào thị trường. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1 trong 4 hạt đậu nành trồng tại Mỹ.
Mức cầu to lớn đã đẩy cao giá cả, và không chỉ đậu nành mà thôi. Mọi loại mùa màng đều cần đất đai, và tình trạng cạnh tranh đất canh tác cũng đẩy cao giá lương thực.
Giá cả dự kiến vẫn duy trì ở mức cao, một phần bởi vì Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng. Giai cấp trung lưu, tiểu tư sản của họ dự báo sẽ tăng lên hơn gấp ba lần trong thập niên này.
Không chỉ riêng Trung Quốc. Dân chúng các nước Ấn Độ, Brazil và nhiều nền kinh tế mới trỗi dậy cũng giàu có hơn và ăn uống ngon hơn. Ngoài ra, thế giới dự trù sẽ có thêm hai tỉ người vào giữa thế kỷ.
Nhưng cho tới khi cung theo kịp cầu, giá thực phẩm sẽ vẫn còn ở mức cao.
Giá lương thực thế giới lại tăng thêm vào năm 2011, một phần cũng do tình hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tình hình này cũng ảnh hưởng đến giới nông gia và người tiêu dùng khắp thế giới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1