Đường dẫn truy cập

Chính phủ Đức bị tấn công mạng để tìm ‘dữ liệu nhạy cảm’


Giới chức Đức nói vụ tấn công mới tập trung vào các dữ liệu nhạy cảm hơn so với vụ tấn công năm 2015 vào Hạ viện nước này.
Giới chức Đức nói vụ tấn công mới tập trung vào các dữ liệu nhạy cảm hơn so với vụ tấn công năm 2015 vào Hạ viện nước này.

Đợt tấn công mới nhất vào các trang mạng của chính phủ Đức liên quan đến các phần mềm độc hại phức tạp và nhằm vào những dữ liệu nhạy cảm hơn so với cuộc tấn công năm 2015 vào Quốc hội, Reuters dẫn lời một thành viên hàng đầu trong đảng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel cho biết hôm 1/3.

Ông Patrick Sensburg, một thành viên của Ủy ban Quốc hội giám sát các Cơ quan tình báo Đức, nói với đài ZDF rằng phải cần thời gian để phân tích vụ việc mà chính phủ Đức hôm thứ Tư tuyên bố là đã kiểm soát được.

Ông nói hãy còn quá sớm để khẳng định cuộc tấn công mạng có liên quan đến một nhóm hacker Nga có tên là APT28, như truyền thông Đức tường thuật, mặc dù ông nói có đủ bằng chứng cho thấy nhóm này có liên kết với một cơ quan tình báo của Nga.

Đức hôm thứ Tư cho biết các giới chức an ninh đang điều tra một vụ tấn công độc lập vào các mạng máy tính của chính phủ, nhưng vụ việc đã được kiểm soát. Đức không xác nhận liệu bộ ngoại giao và quốc phòng có bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công này.

Theo lời ông Sensburg, có tin đồn về một vụ tấn công mạng chính phủ, nhưng ủy ban cấp cao của ông không được các giới chức chính phủ thông báo về vụ tấn công.

Cuộc chiến trên mạng

“Đang có một cuộc chiến diễn ra trên mạng”, Reuters dẫn lời ông Sensburg nói và cho biết thêm rằng vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ dữ liệu nào bị đánh cắp trong vụ tấn công hay không, và nếu có, thì đó là loại dữ liệu nào.

Tuy nhiên, ông Sensburg nói vụ tấn công rõ ràng tập trung vào các dữ liệu nhạy cảm hơn so với vụ tấn công năm 2015 vào Hạ viện, dẫn tới việc mất 16 gigabyte dữ liệu, mà các giới chức Đức đổ lỗi cho nhóm hacker APT28, còn được gọi là Fancy Bear hay Sofacy.

Nhật báo Bild tường thuật rằng các giới chức an ninh Đức đã bị bất ngờ bởi sự tinh vi của cuộc tấn công, vượt quá mức độ từng gặp trước đó, và đưa ra giả định rằng vụ tấn công không phải từ nhóm hacker đã thực hiện vụ tấn công năm 2015.

Trong khi đó, Benjamin Read, người đứng đầu bộ phận phân tích gián điệp mạng của FireEye, một công ty an ninh mạng có trụ sở ở Mỹ, nói vụ việc ở Đức có thể là một phần trong loạt tấn công do APT28 thực hiện chống lại các thực thể liên quan đến chính phủ Mỹ và châu Âu trong năm 2016 và 2017.

Các quan chức tình báo Đức từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang hồi năm ngoái.

Các chính phủ phương Tây và các chuyên gia an ninh nói APT28 có liên kết với một cơ quan tình báo Nga, và đổ lỗi cho nhóm hacker này đã thực hiện vụ tấn công hệ thống mạng của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Moscow trước đây phủ nhận rằng họ không có dính dáng gì với các cuộc tấn công mạng vào hệ thống chính trị Đức.

Nhà lập pháp bảo thủ Roderich Kiesewetter của Đức nói với tờ Die Welt rằng cuộc tấn công cho thấy các cơ quan chính phủ cần có nhiều nguồn tài chính và nhân sự hơn để đối phó với các cuộc tấn công.

Các quan chức tình báo hàng đầu nước này kêu gọi các nhà lập pháp trao cho họ nhiều quyền hạn về pháp lý hơn để “phản công” trong trường hợp các cuộc tấn công mạng xuất phát từ các cường quốc nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG