Đường dẫn truy cập

Chính phủ Việt Nam luôn chậm trễ trong vấn đề biển đảo


Ảnh tư liệu - Những chiếc thuyền đánh cá ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam.
Ảnh tư liệu - Những chiếc thuyền đánh cá ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam.

Trong chuyến đi công tác dài ngày vào đầu tháng 7, nhiều lúc ngồi tại sân bay chờ một chuyến bay hay ngồi trong quán ăn trên đất khách quê người, tôi thường được xem một đoạn tin tức hay đọc một mẩu báo đề cập đến một vấn đề nóng: xung đột biển Đông. Khi tôi quay trở lại Việt Nam, đó cũng là lúc tòa án trọng tài thường trực (PCA) công bố phán quyết bác bỏ quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với biển Đông. Phiên tòa đó được thiết lập theo đơn kiện Trung Quốc của nước bạn Philippines. Hiển nhiên, đó là một phán quyết đúng đắn và được quốc tế ủng hộ. Đối với Việt Nam, một đất nước nằm trong khu vực có tranh chấp chủ quyền, đây chắc chắn cũng là một tin vui.

Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án PCA từ đầu năm 2013 khi Trung Quốc tự cho mình quyền xâm nhập bãi đá cạn Scarborough vốn được Philippines xem là thuộc chủ quyền của mình. Mặc dù Trung Quốc liên tục phản đối dữ dội về việc đưa tranh chấp biển Đông ra tòa án quốc tế, Philippines cũng có những hành động đáp trả hết sức quyết liệt, kể cả huy động các nhà nghiên cứu khảo cổ học và sử học, dùng bản đồ cổ để phản bác các lập luận của Trung Quốc khi nước này cho rằng đường 9 đoạn thuộc về mình từ thời xa xưa. Thậm chí, trong thời gian khởi kiện, Philippines cũng cho ngừng mọi kế hoạch xây dựng các công trình trên biển Đông vì, theo lời bộ trưởng Quốc phòng nước này, “muốn duy trì uy tín đạo đức trong tranh chấp lãnh thổ”.

Trên các thông tin tôi xem và đọc được, tôi thường thấy báo chí quốc tế khen ngợi Philippines và luôn nói đến biển Đông như một “sân chơi” đầy kịch tính giữa Bắc Kinh và Manila. Còn Việt Nam, ngay từ đầu đã đứng ngoài “cuộc chơi” ấy. Tôi dám chắc trong số những người Việt đang hoan nghênh tin vui đến từ tòa án quốc tế vào ngày 12/7 vừa qua, có hơn phân nửa chưa biết được phiên tòa ấy đã diễn ra trong thời gian bao lâu và đã vấp phải nhiều khó khăn như thế nào. Tất cả những gì họ làm là những lời hô sáo rỗng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.” Rất tiếc, dẫu đây là một phiên tòa về vấn đề biển Đông, nhưng là cuộc tranh chấp rõ ràng chỉ diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc. Kết luận của tòa án PCA có lợi cho Philippines và những khu vực mà quốc gia này tuyên bố có chủ quyền. Giữa họ có một công ước UNCLOS đã được phê chuẩn và đồng ý từ 2 phía về quy định các vùng lãnh hải, thềm lục địa, hải đảo, cồn cát, bãi cạn… trong khu vực biển Đông. Đi kèm với định nghĩa về các vùng đặc quyền kinh tế còn có những chi tiết rất phức tạp khác liên quan đến thủ tục tài phán. Tuy nhiên, công ước UNCLOS cho phép một quốc gia được thực thi chủ quyền của mình trong phạm vi 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Trung Quốc đã vi phạm công ước này, và Philippines có quyền đi kiện.

Còn về phía Việt Nam, chúng ta có hiệp ước gì với Trung Quốc, ngoài “16 chữ vàng”? Xung đột biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra hơn 3 thập kỷ. Với một lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Quốc đã ngang ngược đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, trắng trợn đe dọa chính phủ Việt Nam, và tệ hại hơn nữa, Trung Quốc bắn giết người dân Việt Nam. Gần đây tôi có theo dõi một cuộc phỏng vấn kéo dài 2 tiếng đồng hồ trên kênh truyền hình quốc tế CCTV của Trung Quốc đề cập riêng về vấn đề biển Đông. Chương trình có sự tham dự của nhiều sinh viên trẻ, nói tiếng Anh rất thành thạo, luôn mồm ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Hoa với những đường lối đúng đắn. Chưa hết, họ còn đưa những nhân vật “có vẻ” có nhiều quyền lực như cựu bộ trưởng bộ Quốc phòng Malaysia bàn luận về vấn đề này, cũng như một vài người phương tây phản đối sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề biển Đông. Đây là một chương trình rất hấp dẫn và thuyết phục, nhưng đồng thời nó càng tô đậm sự táo tợn và dối trá của Bắc Kinh. Sự dối trá ấy sẽ càng có hiệu quả nếu Philippines là một đất nước nhu nhược và hèn nhát.

Phán quyết của Tòa án quốc tế PCA là một động lực thúc đẩy Việt Nam trong việc thể hiện chủ quyền. Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, niềm vui ngày hôm nay là sự góp vui cho nước bạn và là niềm tin vào công lý và lẽ phải đến từ tòa án quốc tế. Việc tòa án PCA bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc hiện đang tạo điều kiện cho Việt Nam cất cao tiếng nói trong các cuộc đàm phán quốc tế. Có lẽ không còn lý do gì đề chính phủ tiếp tục đàn áp các phong trào tranh đấu âm ỉ từ trước đến nay về vấn đề biển đảo nữa mà thay vào đó, nên cùng đứng về phía người dân để có một bước đi khôn ngoan hơn. Chúng ta đã chờ đợi quá lâu cho một cuộc đấu tranh đúng nghĩa, một phần Trường Sa đã mất, biết bao ngư dân ra khơi đã không trở về, cũng như nhiều người lính hải quân đã hy sinh vô nghĩa. Nếu không là bây giờ, thì là bao giờ?

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG