Chính quyền Việt Nam và các nhóm cá nhân riêng lẻ vừa tổ chức lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma khi bị lực lượng hải quân Trung Quốc tấn công cách đây 35 năm. Tuy nhiên, với các sự kiện được đánh giá có phần thông thoáng và rầm rộ hơn so với trước đây, giới quan sát nhận định rằng cái nhìn của Hà Nội về mối quan hệ khắng khít đối với Bắc Kinh vẫn không thay đổi.
Hôm 14/3, tại khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma bên bờ biển Khánh Hòa, Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Trọng Bình dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng đoàn của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải Quân đã dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ - chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam tử trận trên đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988, theo trang Công an Nhân dân.
Ngoài 64 quân nhân thiệt mạng, còn có 9 người bị phía Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông sau 3 năm mới trao trả.
Hôm 12/3, tại một ngôi đình ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng đã tổ chức lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ Gạc Ma. Trang báo Đảng Cộng sản cho biết 10 trong số các liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 có quê quán ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Cũng hôm 12/3, đài truyền hình trung ương VTC chiếu phóng sự dài hơn 8 phút “Sống mãi khí phách Gạc Ma”, một lần nữa khẳng định “bất khả xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông”.
Trên các trang mạng xã hội, các nhóm nhỏ riêng lẻ chia sẻ hình ảnh tổ chức đốt nến dâng hương tại các thành phố lớn và các vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, một số cá nhân được chính quyền cho là “bất đồng chính kiến” vẫn bị ngăn chặn ra khỏi nhà hôm 14/3.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, người được biết với tên blogger Ba Sàm, một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước, nêu nhận định với VOA hôm 14/3:
“Tôi có theo dõi các báo của nhà nước Việt Nam thì thấy đúng là có hiện tượng khá vui là các báo liên tục trong mấy ngày nay “đi” rất nhiều bài về sự kiện Gạc Ma, và có đoàn viếng tổ chức lễ giỗ…chứ những người dân yêu nước mà thực hiện các lễ kỷ niệm đấy thì thường bị cơ quan chức năng, an ninh, công an…gây khó khăn, chặn…”
“Tôi cũng chưa xác định được liệu thái độ của chính quyền đối với nhóm người dân đơn lẻ tự phát có được tự do thực hiện nghĩa cử đó không hay chỉ cái gì thuộc nhà nước thì họ mới nới rộng ra?” ông Vinh đặt nghi vấn.
“Không nên vội hy vọng vào cái biểu hiện này. Về cơ bản, vẫn chưa có tín hiệu quan trọng nào hay một thông điệp nào đó cho phía người dân và cho phía Trung Quốc.
“Ngược lại, tôi cho rằng có dấu hiệu và tín hiệu tiêu cực hơn, kể cả trong quan hệ với Trung Quốc và thái độ với người dân khi người dân bày tỏ lòng yêu nước trước kẻ bành trướng Trung Quốc”.
Từ Lâm Đồng, ông Hứa Phi, một người quan tâm đến tình hình Biển Đông, nêu nhận xét với VOA về việc một số người bị chặn khi đến nơi tưởng niệm:
“Cách đây trên 30 năm, tức năm 1988, Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma- lãnh thổ của Việt Nam.
“Ngay những thân nhân, những người có bạn bè ra đảo Gạc Ma bị Trung Quốc bức tử, sát hại, đã làm các lễ kỷ niệm, cầu nguyện, nhưng cũng bị một số an ninh của Việt Nam cản ngăn…việc này khiến tôi rất buồn!”.
Bất chấp các sự kiện có vẻ “cởi mở” gần đây và cả việc Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên đến thăm đài tưởng niệm các liệt sỹ Gạc Ma ở Cam Lâm ở Khánh Hoà hôì 12/3 năm ngoái, giới quan sát nhận định rằng vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan nào cho thấy các nhóm riêng lẻ tự do bày tỏ lòng yêu nước, nhất là trước quân xâm lược từ Trung Quốc.
Diễn đàn