Đường dẫn truy cập

Chính quyền Việt Nam sẽ ‘xử kín’ nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng


Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng.

Hôm 4/4, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng nhận được giấy triệu tập cho phiên tòa xét xử ông vào tuần sau ở Hà Nội, nhưng điều ngạc nhiên đối với gia đình là tòa quyết định “xử kín” vụ án này.

Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Thắng, cho VOA biết thêm về thông tin xét xử chồng bà:

“Cuối tuần trước tôi nhận được thông tin qua luật sư là xét xử anh Thắng vào sáng ngày thứ Tư tuần sau, ngày 12/4. Ở trong quyết định xét xử, họ ghi rõ là “xử kín””.

Nội dung trên cũng đã được luật sư Phạm Lệ Quyên, một trong các luật sư bào chữa của ông Thắng, thông báo trên Facebook, sau khi các luật sư nhận được quyết định của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đề ngày 30/3 về việc xét xử sơ thẩm hình sự đối với ông Nguyễn Lân Thắng.

Theo Điều 25 Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015, “trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước” thì tòa án “có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về lý do xử kín ông Nguyễn Lân Thắng.

Ngày 24/2, Viện Kiểm Sát Nhân dân TP.Hà Nội ra bản cáo trạng đối với ông Thắng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Hình sự, theo Facebook của Luật sư Quyên.

Bà Vượng cho biết rằng chồng bà bác bỏ các cáo buộc của chính quyền cho rằng ông “chống phá nhà nước”.

Đối với các vụ án “an ninh quốc gia” như trường hợp của ông Thắng, chính quyền Việt Nam không cho phép gia đình và luật sư thăm gặp trong giai đoạn điều tra.

Mãi cho đến ngày 16/2, chính quyền mới cho một luật sư đầu tiên tiếp xúc với ông Thắng trong trại giam, sau khi đã kết thúc điều tra, theo gia đình ông Thắng.

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào tháng 7/2022 với cáo buộc theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Vào đầu tháng 11/2022, các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ “tùy tiện” 18 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có trường hợp ông Thắng, với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản “mơ hồ” như “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG