Đường dẫn truy cập

Dấu hiệu không đồng nhất về chính sách của TQ đối với TâyTạng


Những người biểu tình phản đối cầm ảnh của những người tự thiêu trong một cuộc tuần hành, bày tỏ tình đoàn kết, từ Lãnh sự quán Trung quốc đến trụ sở Liên hiệp quốc ở New York 10/12/12
Những người biểu tình phản đối cầm ảnh của những người tự thiêu trong một cuộc tuần hành, bày tỏ tình đoàn kết, từ Lãnh sự quán Trung quốc đến trụ sở Liên hiệp quốc ở New York 10/12/12
Việc thờ phượng đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn còn là bất hợp pháp tại các khu vực Tây Tạng ở Trung Quốc, mặc dầu có tin tức trước đây về những thay đổi của Trung Quốc trong chính sách ở Lhasa và tại một số nơi trong tỉnh Thanh Hải kế cận.

Trong một phúc trình hôm thứ Ba, một tổ chức bênh vực mang tên Tây Tạng Tự do, có trụ sở ở London, nói rằng nhà chức trách tỉnh Thanh Hải đã gởi một thông điệp cho cư dân Tây Tạng, thông báo cho họ biết lệnh cấm hình ảnh của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng vẫn còn có hiệu lực.

Bà Alistair Currie, viên chức truyền thông của tổ chức Tây Tạng Tự Do nói, “Chúng tôi đã có xác nhận từ nhiều nguồn rằng, thông điệp này đã được gởi từ sở tuyên truyền ở Thanh Hải bằng tiếng Tây Tạng cho người Tây Tạng.”

Tổ chức Tây Tạng Tự Do đã đăng lại thông điệp vừa kể trong phúc trình của họ như sau:

“Trong những ngày gần đây, một số người đã loan truyền tin đồn qua Internet nói rằng, một chính sách mới đã được đưa ra trong khu vực của người Tây Tạng. Chúng tôi loan báo rõ ràng rằng không có thay đổi nào trong chính sách của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và chính phủ đối với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.”

Trong một tuyên bố với đài BBC, cơ quan phụ trách vấn đề tôn giáo nhà nước cũng phủ nhận bất cứ thay đổi nào trong chính sách.

Kể từ năm 1996, chính phủ Trung ương đã áp dụng một chính sách cấm các đền thờ cũng như những khách sạn và tiệm ăn không được trưng bày hình ảnh của nhà lãnh đạo tinh thần sống lưu vong của Tây Tạng.

Hồi tuần trước, có tin là một số tu viện được phép treo hình hay mở các cuộc họp để thảo luận về việc bãi bỏ lệnh cấm này. Tin vừa kể đã khiến có đáp ứng của Ủy ban Tôn Giáo Nhà Nước là không có thay đổi về chính sách.

Các cơ sở truyền thông Trung Quốc đã giữ im lặng về vấn đề này. Hôm thứ Ba, việc thảo luận về vấn đề này đã bị kiểm duyệt một phần trên Internet.

Ông Trương Hải Dương, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Sắc Tộc Thiểu Số của Trung Quốc và Trường Đại Học Dân Tộc ở Bắc Kinh, nói rằng một đồng nghiệp của ông đã gởi cho ông một số thông tin về phúc trình này.

Ông nói rằng mặc dầu ông không biết trực tiếp về các cuộc thảo luận về chính sách trong giới hữu trách tại các vùng của người Tây Tạng, nhưng có giới hạn về những khác biệt trong quan điểm về vấn đề cách xử lý đối với Tây Tạng.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chắc chắn có những ý kiến khác biệt nhau, và chắc chắn có những người tin vào những chuyện khác cần phải được thực hiện tại TâyTạng, nhưng giáo dục vẫn như cũ trong thời gian quá lâu, và nhân dân quen mang tới những ý kiến mới hay hòa giải khi đề cập tới vấn đề thiểu số và tôn giáo.”

Các tăng, ni, và dân thường đã thực hiện các biện pháp cực đoan để phản đối điều họ tin là ách cai trị đàn áp trong vùng.

Kể từ năm 2009, ít nhất đã có 120 người tự thiêu, một hành động mà nhà chức trách Bắc Kinh tin là bị xúi giục bởi Đạt Lai Lạt Ma và “đồng bọn” trong toan tính tách vùng này ra khỏi Trung Quốc.

Tháng trước, một giáo sư tại Trường Đảng của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chính thức tách ra khỏi tính cách chính thống của đảng về Tây Tạng. Giáo sư Jin Wei đã nói với rằng một tạp chí tại Hong Kong rằng thái độ của Bắc Kinh đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma - người vẩn còn được hết sức kính trọng ở bên trong Tây Tạng - có ảnh hưởng tới cách nhân dân Tây Tạng phản ứng trước sự cai trị của Trung Quốc.

Bà nói với tạp chí Á Châu Tuần Báo rằng, “Chúng ta không thể chỉ đối xử với ông và coi ông như một kẻ thù.” Bà cũng gợi ý rằng, nếu thương thuyết trôi chảy Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể được phép di chuyển tới Hong Kong, và ngay cả thực hiện những chuyến trở về Tây Tạng.

Các học giả ở bên ngoài Trung Quốc đã đồn đoán là có sự ủng hộ của giới lãnh đạo Trung Quốc cho việc nới lỏng chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ông Thubten Sampel, giám đốc Viện Chính sách Tây Tạng, một Cơ quan Nghiên Cứu Chính Sách trong chính phủ Trung Ương Tây Tạng có căn cứ ở Dharamshala nói rằng, những ý kiến của bà Jin gợi ý rằng có một cuộc đối thoại về Tây Tạng giữa những nhà lãnh đạo cao cấp của chính phủ Bắc Kinh.

Ông nói: "Có thể có một mức độ đối thoại nào đó vế cách tốt nhất mà Trung Quốc nên giải quyết vấn đề Tây Tạng. Bất cứ thay đổi nào trong chiều hướng giải quyết vấn đề TâyTạng cũng được coi như quá nguy hiểm, và cho tới nay không có nhà lãnh đạo nào đủ can đảm chấp nhận nguy cơ đó.”

Đồng thời, ông Thubten nói rằng để mọi chuyện như cũ – với tình trạng không giải quyết những mối bất bình sẵn sàng biến thành bất ổn cũng nguy hiểm không kém. Ông nói:

“Hy vọng của chúng tôi là các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chấp nhận một chính sách nhân hậu hơn, bao dung hơn đối với nhân dân Tây Tạng.”

Ông Tập Cận Bình, người đã trở thành Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng Ba, trong quá khứ đã đưa ra những tuyên bố chỉ trích các “hoạt động ly khai” tại Tây Tạng, và các nhà phân tích nói rằng chắc ông sẽ không xoay chiều đáng kể khỏi các chính sách cứng rắn của những người tiền nhiệm của ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG