Năm 2015 đã bắt đầu, và cùng với năm mới là những thách thức mới – cộng thêm vào những thách thức đã có từ trước. Năm 2014 để lại cho nước Mỹ nhiều công việc chưa hoàn tất trên khắp thế giới. Thông tín viên VOA Alex Villareal điểm qua một số thách thức hàng đầu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama vào lúc ông bước vào 2 năm cuối tại Tòa Bạch Ốc.
“Sau hơn 13 năm, sứ mạng tác chiến của chúng ta ở Afghanistan sẽ chấm dứt.”
Hồi tháng 12, Tổng thống Obama đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh kéo dài nhất của nước Mỹ.
Nhưng các giới chức Bộ Quốc phòng cho biết bình minh của năm 2015 không có nghĩa là sự kết thúc của viện trợ Hoa Kỳ, như nhận định của phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, đề đốc John Kirby:
“Không phải là đến ngày 31 tháng 12 là chúng ta bỏ đi. Chúng ta không làm như thế. Chúng ta sẽ ở lại.”
Yểm trợ về không lực, huấn luyện và chống khủng bố, tất cả đều năm trong nghị trình của hơn 10.000 binh sĩ Hoa Kỳ ở lại Afghanistan trong năm nay. Đó là sự hỗ trợ mà lực lượng Afghanistan cần đến, sau khi các vụ tấn công của Taliban gia tăng.
Hoa Kỳ cũng sẽ chống khủng bố dưới hình thức các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này đã nổi lên gây sự quan tâm của mọi người trong năm 2014, thông qua việc mau chóng chiếm đóng những phần đất lớn ở Iraq và Syria và những vụ chặt đầu dã man những người Tây phương.
Các vụ không kích nhắm vào nhóm này dường như đã có hiệu lực, và các chuyên gia phân tích dự báo những thắng lợi tiếp theo. Sau đây là ý kiến của ông Paul Salem thuộc Học viện Trung Đông:
“Tôi nghĩ Iraq, giữa đạo quân của người Kurd và quân đội quốc gia trú đóng ở Baghdad, với sự hỗ trợ mạnh của Hoa Kỳ, sẽ đạt được tiến bộ trong năm 2015.”
Cũng cần phải có tiến bộ là những nỗ lực của Hoa Kỳ và 5 cường quốc thế giới khác nhằm đạt được một thoả thuận hạt nhân với Iran. Các nhà thương thuyết đang nhắm mục tiêu là tháng 7, sau khi kỳ hạn định vào tháng 11 trôi qua mà không đi đến thoả thuận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nêu nhận định:
“Các cuộc đàm phán này sẽ không bỗng dưng mà trở nên dễ dàng hơn chỉ vì chúng ta gia hạn lại. Chúng rất gay go. Và chúng đã gay go. Và chúng ta sẽ tiếp tục cứng rắn.”
Và các chuyên gia, như ông Robert Einhorn thuộc Viện Brookings, cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Hoà có thể làm cho mọi việc còn khó khăn hơn nữa.
“Các đại biểu Quốc hội nóng lòng áp đặt thêm các biện pháp chế tài. Sự kiện ấy có thể có ảnh hưởng đáng lo ngại.”
Nga là nguồn gốc gây căng thẳng thêm cho các biện pháp chế tài. Những biện pháp mà Hoa Kỳ đã áp đặt vì Moscow ủng hộ các phần tử Ukraine đòi ly khai đã góp phần khiến cho chỉ tệ và nền kinh tế của Nga tuột dốc mạnh. Nhưng vụ xung đột ở Ukraine là một vụ tranh chấp mà các giới chức Hoa Kỳ quyết tâm khắc phục, như nhận định của phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Eric Rubin:
“Không ai từ bỏ hy vọng về bang giao Nga-Mỹ. Chúng ta phải đưa mối bang giao ấy đến một chỗ tốt đẹp hơn.”
Hoa Kỳ nói Nga có thể được nới lỏng các biện pháp chế tài bằng cách triệt thoái toàn bộ binh sĩ ra khỏi lãnh thổ Ukraine, ngoài các điều kiện khác.
Và vấn đề không nên quên là Bắc Triều Tiên. Các nhà điều tra của Hoa Kỳ đã truy nguyên vụ tấn công mạng hồi tháng 11 nhắm vào hãng phim Sony và gán trách nhiệm cho quốc gia cô lập này. Đáp lại, Tổng thống Obama đã đưa các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên lên hàng đầu các quyết định về chính sách đối ngoại của ông trong năm mới.