Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc quyết định chấm dứt chính sách một con áp dụng từ nhiều thập niên qua và cho phép tất cả các cặp vợ chồng được sinh hai đứa con có thể trở thành một cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, diễn tiến này cũng có thể làm tăng những đòi hỏi về lương bổng và làm cho giá thành lao động tăng lên. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Saibal Dasgupta của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ ba, các giới chức Trung Quốc cho biết họ dự đoán chính sách mới về kế hoạch hoá gia đình có thể làm cho tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,5% và cung cấp cho Trung Quốc khoảng 30 triệu người lao động vào năm 2050.
Ông Hà Vĩ Văn, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Tài chánh Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói “Có thêm trẻ em có nghĩa là có thêm bảo sanh viện, bệnh viện, trường mẫu giáo và các trường tiểu học, trung học. Chính sách hai con cũng sẽ dẫn tới chỗ chi tiêu thêm cho đứa con thứ nhì, và như thế, nó có ích cho tăng trưởng kinh tế. Các gia đình có hai đứa con sẽ giảm bớt các khoản tiền tiết kiệm để thỏa mãn những nhu cầu mới.”
Chính phủ Trung Quốc đang trông mong tăng trưởng kinh tế của họ sẽ được kích thích bởi hai động cơ: một là sự gia tăng của các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng và hai là sự gia tăng của mức chi tiêu của người tiêu dùng trong nước.
Khi chính sách mới bắt đầu được thực hiện, khoảng 91 triệu cặp vợ chồng sẽ được phép sinh đứa con thứ nhì. Theo dự đoán của chính phủ, ít nhất 60% những bậc phụ huynh nắm bắt cơ hội mới là những người ở vùng nông thôn.
Sự bất cập của các cơ sở y tế và giáo dục tại các vùng nông thôn và những thành phố nhỏ là một vấn đề đã có từ lâu ở Trung Quốc, và chính vì thế mà chính phủ sẽ phải dẫn đầu trong việc thực hiện những dự án đầu tư tại những khu vực này để chứng tỏ cho người dân thấy là họ sẽ có những cơ sở thoả đáng để sử dụng trong trường hợp họ muốn sinh đứa con thứ nhì.
Theo nhận định của Conference Board, một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, chính sách hai con có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Họ cho rằng “xét từ quan điểm tiêu thụ, sự gia tăng của số trẻ em có thể có ảnh hưởng tích cực đối với việc tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ dùng cho việc nuôi nấng trẻ em, đưa tới sự tăng trưởng và nhu cầu tuyển dụng trong các công nghiệp đó.” Nhưng tổ chức này cũng cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực như giá thành lao động gia tăng, và áp lực nhiều hơn đối với những bậc ông bà thường phải chăm sóc các đứa cháu thay cho những bậc phụ huynh đang đi làm.
Các nhóm lợi ích
Mục tiêu chính của chính sách hai con là ứng phó với hội chứng dân số bị lão hoá và khắc phục tình trạng thiếu hụt của nguồn cung ứng lao động, một sự việc đe dọa tới sự tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông David Kelly, giám đốc nghiên cứu của một tổ chức tư vấn ở Bắc Kinh có tên Chính sách Trung Quốc, việc thực thi chính sách này có thể không dễ dàng. Con số rất đông những người tham gia việc thực hiện chính sách một con có thể chống lại sự thay đổi và sự tái phân phối những nguồn tài chánh khổng lồ mà họ đang nắm quyền kiểm soát.
Ông Kelly nói “Nhiều chính quyền tỉnh có những lợi ích mà họ đã thủ đắc nên họ không khuyến khích cho việc thực thi chính sách mới.” Ông cũng cho rằng có những áp lực khác gây cản trở cho sự thành công của chính sách hai con.
Ông nói “Những gia đình mà cả vợ lẫn chồng đều đi làm có thể cảm thấy ngần ngại về việc sinh thêm đứa con thứ hai, vì điều đó có thể làm cho người phụ nữ mất việc hoặc mất thu nhập, ít ra là trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, có rất đông những phụ nữ đã đẻ mổ khi sinh đứa con đầu sẽ không muốn có thêm đứa con thứ nhì vì họ không muốn gặp rủi ro.”
Theo một cuộc nghiên cứu vào năm 2010 của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung Quốc là một trong những nước có tỉ lệ đẻ mổ cao nhất thế giới -- gần 50%. Và các cuộc nghiên cứu y học tại nhiều nơi trên thế giới cho thấy đẻ mổ có thể làm cho người mẹ không muốn sinh thêm con.