Đường dẫn truy cập

Chính sách tái quân bình Châu Á của Mỹ lu mờ vì căng thẳng với TQ


Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS George Washington. Phía sau là tàu USS Cowpens trong vùng Biển Ðông.
Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS George Washington. Phía sau là tàu USS Cowpens trong vùng Biển Ðông.
Hoa Kỳ đã xoay trục chú ý qua các nguồn lực quân sự, ngoại giao và kinh tế qua châu Á trong năm 2013, nhưng chính sách này đã bị chệch hướng vì sự cãi cọ với các đồng minh và một nước Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Chuyến công du Ðông bắc châu Á trong tháng 12 của Phó tổng thống Joe Biden nhắm mục đích tập trung vào việc trấn an các đồng minh của Hoa Kỳ là Nhật Bản và Nam Triều Tiên về kế hoạch gia tăng rộng lớn các nguồn lực trong khu vực.

Nhưng việc Trung Quốc bất ngờ mở rộng Vùng Nhận diện Phòng không ADIZ của họ tới những khu vực có tranh chấp với Nhật Bản và Nam Triều Tiên ở vùng biển Ðông Trung Quốc đã bao trùm các cuộc thảo luận.

Ông Biden cho biết ông đã thẳng thắn bàn về vấn đề trong các cuộc hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu tại trường đại học Yonsei của Nam Triều Tiên ông Biden nói:

“Nhưng tôi đã nói hết sức rõ ràng nhân danh Tổng thống Obama rằng chúng tôi không thừa nhận vùng này. Nó sẽ không có tác động nào đối với các hoạt động của Mỹ. Tôi cũng khẳng định rõ rằng chúng tôi trông đợi Trung Quốc chớ có hành động làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ leo thang.”

Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã tỏ ra thách thức khi để cho máy bay quân sự bay qua vùng này mà không thông báo cho Bắc Kinh, trong khi Nam Triều Tiên mở rộng vùng nhận diện phòng không của họ lấn qua nhiều phần thuộc vùng của Trung Quốc.

Vì lý do an toàn, Hoa Kỳ nói các máy bay thương mại của Mỹ sẽ theo đúng các hướng dẫn mới là đệ trình trước cho Bắc Kinh các kế hoạch bay ngang qua vùng mở rộng và giữ liên lạc bằng vô tuyến với giới hữu trách Trung Quốc.

Nam Triều Tiên thoạt đầu từ chối không tuân thủ, nhưng sau đó nói rằng các chuyến bay thương mại của họ sẽ theo gương Hoa Kỳ, trong khi Nhật Bản thẳng thừng từ chối. Không phận phía trên các hòn đảo Senkaku do Nhật Bản cai quản, mà Trung Quốc tranh giành chủ quyền và gọi là Ðiếu Ngư đài, bao gồm trong vùng phòng không mở rộng của Bắc Kinh.

Bất chấp những mối quan ngại về việc tính toán sai hay lỗi lầm, chuyên gia Dan Pinkston của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế lập luận rằng nguy cơ đối với máy bay do vùng ADIZ mở rộng gây ra bị thổi phồng.

Bản đồ vùng Nhận dạng Phòng không ADIZ của Trung Quốc và Nhật Bản.
Bản đồ vùng Nhận dạng Phòng không ADIZ của Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Pinkston giải thích: “Không có cách nào khiến Trung Quốc có lợi khi can thiệp vào bất cứ vụ nào. Dĩ nhiên vấn đề là đối với máy bay của nhà nước, với máy bay quân sự. Nay tôi cho rằng Trung Quốc sẽ nhận là có thẩm quyền pháp lý để ngăn cảnh hoặc có hành động thù nghịch chống lại máy bay nước ngoài quanh vùng có tranh chấp ở Biển Hoa Ðông. Nhưng, một lần nữa, phải chăng họ muốn leo thang căng thẳng hay có hành động gây hấn như thế. Ở thời điểm này, tôi không tin là có. Nhưng nếu họ muốn làm như thế thì họ vẫn có thể làm được.”

Trong khuôn khổ việc bành trướng và khẳng định chủ quyền, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc vừa được khánh thành đã thực hiện các cuộc diễn tập trong vùng Biển Ðông, nơi đang có tranh chấp với Brunei, Malaysia, Philippines, Ðài Loan và Việt Nam.

Trong chuyến công du của ông Biden, một chiến hạm Trung Quốc hộ tống hàng không mẫu hạm này đã chặn ngang đường đi của một tuần dương hạm Hoa Kỳ buộc tàu này phải đổi hướng để tránh đụng nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel gọi hành vi của Trung Quốc trong vụ này là “vô trách nhiệm.”

Các động thái khiêu khích của Trung Quốc về các vùng có tranh chấp đã một phần thúc đẩy những lời kêu gọi Hoa Kỳ tái quân bình hướng về châu Á, cũng như tăng cường quan hệ với các đồng minh chính ở đông Á là Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Park Geun-hye của Nam Triều Tiên nhưng cho đến nay vẫn vấp phải sự tránh né của Seoul, và Bắc Kinh vì các nỗ lực muốn minh oan cho cuộc xâm lược của Nhật Bản thời bảo hộ và thế chiến thứ hai.

Ðể đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc đòi hỏi phải hàn gắn những rạn nứt trong bang giao giữa Seoul và Tokyo, theo nhận định của giáo sư Park Hwee Rhak của trường Ðại học Kookmin.

“Trong tình hình hiện nay, khó mà giảm nhẹ mối đe doạ bằng một liên minh riêng rẽ giữa Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ và một liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Do đó cần phải tăng cường quan hệ giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản và Hoa Kỳ phải đề xuất nỗ lực một cách tích cực hơn. Do đó tôi cho rằng điều quan trọng là Tổng thống Obama trong chuyến thăm tới phải tập trung vào việc Hoa Kỳ góp phần thương lượng cho mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản.”

Thông cáo của cuộc họp thượng đỉnh giữa Nhật Bản và khối ASEAN nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tự do đi lại trên biển và trên không, một gợi ý khéo tới những quan ngại về Trung Quốc.

Trung Quốc có quan hệ kinh tế chặt chẽ với ASEAN những cũng đã gây khó chịu cho các thành viên trong khối với những tranh chấp lãnh hải vì kéo dài việc thương nghị về một Bộ Quy tắc Ứng xử trong vùng Biển Ðông.

Ông Pinkston của Trung Tâm Khủng hoảng Quốc tế nêu ra rằng mặc dầu Trung Quốc tuyên bố muốn có một thế giới đa cực, họ vẫn muốn thuơng thuyết một cách song phuơng để có thể vận dụng thế mạnh kinh tế và chính trị của họ một cách hữu hiệu hơn. Ông Pinston giải thích:

“Hy vọng của tôi là vào một điểm nào đó trong tương lai, chúng ta có thể tiến vào một con đường phát tiển tốt hơn các cơ chế đa phương cho khu vực, và chú ý đến tất cả những mối quan tâm về an ninh của tất cả mọi người. Và, hy vọng rằng chúng ta có thể tìm ra một phương sách tốt đẹp hơn là thiết lập các liên min tam phương để quân bình chống lại Trung Quốc hay bao vây Trung Quốc...Hy vọng rằng chúng ta có thể tìm ra một cơ chế tốt hơn thay vì lâm vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở Ðông Á.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG