Thái Lan đang đi qua một giai đoạn đầy thử thách lẫn cơ hội. Hơn một năm qua, chính trị Thái đầy những biến động nội bộ, kể từ cuộc biểu tình ngày 18 tháng 7 năm 2020, quy tụ hơn hai ngàn người, chủ yếu là giới trẻ và sinh viên. Hàng loạt các cuộc biểu tình lớn nhỏ khác nhau, từ 5 đến 10 người ở các nhóm nhỏ, và có khi cao điểm lên đến 50 ngàn người. Nó diễn ra gần như mỗi ngày trong những tháng 8 đến 12 năm 2020, trong khuôn viên đại học, trung học, thủ đô Bangkok, và khắp các tỉnh thành tại Thái Lan.
Chính quyền Prayut Chan-o-cha loay hoay tìm đủ cách khác nhau để đàn áp phong trào dân chủ, nhất là bắt bớ bỏ tù các thủ lãnh trẻ. Họ sử dụng các luật khẩn cấp, luật phỉ báng nhà vua (lèse majesté law, Điều 112 trong Đạo luật Hình sự), Đạo luật Hình sự Điện toán (Computer Crime Act), cho đến giới hạn quyền đưa tin của các cơ quan truyền thông độc lập phê phán chính quyền. Năm 2020, giống như Việt Nam và nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á, chính quyền Prayut đã quản lý đại dịch Covid-19 khá tốt so với bao nước khác. Nhưng kể từ tháng 4 năm nay, tình hình trở nên nguy bách hơn với biến thể Delta. Trong suốt vài tuần qua, nhiều ngày lên đến hơn 20 ngàn ca, chỉ tuần qua bắt đầu giảm xuống còn khoảng 18 ngàn. Ngành du lịch bị ảnh hưởng trầm trọng, làm bao nhiêu người mất việc. 290,000 sinh viên ra trường năm nay không có việc làm. Nhiều người Thái bất mãn tột cùng với cung cách quản lý Covid-19 của chính quyền Prayut, nhất là sự thất bại trong việc tìm kiếm mua đủ vaccine để tiêm chủng cho khoảng 70 triệu người. Để đối phó với sự chỉ trích và phản đối liên tục của người dân và giới truyền thông, chính quyền Prayut đưa ra quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt Internet. Nhưng biện pháp đe dọa và trừng phạt nhằm gây sợ hãi trong công chúng đã bị tòa dân sự Thái bác bỏ vào ngày 6 tháng 8.
Phong trào xã hội dân sự tại Thái Lan tin rằng chính quyền Prayut chỉ muốn duy trì sự cầm quyền của họ hơn là tập trung nỗ lực giải quyết các vấn đề y tế/sức khỏe, công ăn việc làm hay sự an toàn của người dân. Sự bất lực và bất tài của chính quyền đã làm cho nhiều thành phần công chúng tại Thái bất chấp lệnh phong tỏa tiếp tục xuống đường biểu tình. Cuộc đối đầu giữa người biểu tình và chính quyền Thái ngày càng leo thang, và trở nên bạo lực hơn trong nnhững tháng qua so với năm 2020. Cách đây 2 tuần, phong trào dân chủ đã kêu gọi biểu tình mỗi ngày từ 16 đến 22 tháng 8. Các cuộc biểu tình xuống đường hay biểu tình thật là sáng tạo, như xử dụng hàng ngàn chiếc xe trên đường phố, làm tắc nghẽn giao thông. Nó diễn ra thường xuyên để phản đối cách quản lý Covid-19 của chính quyền Prayut, với mục tiêu áp lực Thủ tướng Prayut từ chức.
Trước tình hình sôi động này, Đại học Quốc gia Úc ANU đã tổ chức thảo luận đặc biệt từ 24 đến 28 tháng 8 vừa qua, với chủ đề “Cập nhật Thái Lan 2021: Quản lý khủng hoảng và tác động lâu dài” (Thai Update 2021: Crisis management and long-term implications). Đề tài thứ nhất là về Kinh tế và ảnh hưởng của Covid-19, thứ hai là Biểu tình tại Thái, thứ ba là Quốc hội (chính trị bầu cử/Electoral politics), và sau cùng là Chính sách Đối ngoại.
Tôi đã tham dự, chủ yếu là để lắng nghe, buổi thảo luận về bốn đề tài trên trong tuần qua, và học hỏi được nhiều điều lý thú từ cái nhìn của giới trí thức Thái trước hiện tình đất nước của họ.
Xin được chia sẻ ba điều tôi quan sát sau đây về giới trí thức Thái.
Một, họ quả là những người chuyên môn quan tâm về tình hình đất nước. Mười bốn trên mười lăm diễn giả trong bốn ngày thảo luận (không kể những người điều hợp chương trình) là người Thái, chuyên gia về nhiều lĩnh vực khác nhau. Phần lớn đang giảng dạy hay nghiên cứu từ các trường đại học danh tiếng của Thái như Thammasat University, Chulalongkorn University. Cũng có hai diễn giả được mời đặc biệt là Tidarat Yingcharoen và Parit Wacharasindhu, có khả năng nói chuyện lưu loát và thuyết phục, đang là hai thành viên trụ cột của hai đảng chính trị tại Thái. Mười diễn giả còn khá trẻ, nhìn dưới 50 tuổi. Phần lớn nói tiếng Anh lưu loát, chắc nhờ được đào tạo hay giáo dục từ nước ngoài, từ Anh, Úc v.v… Có người đang giảng dạy hay nghiên cứu tại các trường đại học lớn ngoài Thái Lan.
Tiến sĩ Aim Sinpeng, chẳng hạn, đang là giảng viên tại Đại học Sydney, Úc châu, trong Ngành Chính quyền và Quan hệ Quốc tế. Sinpeng trình bày về vận dụng và ảnh hưởng của truyền thông xã hội trong giới hoạt động. Khi được hỏi rằng chính quyền Thái có theo dõi các phong trào biểu tình và những người bất đồng chính kiến trên mạng xã hội không, thì Sinpeng khẳng định đó là điều chắc chắn. Sinpeng nói: “Theo dõi các cuộc trò chuyện, sàn lọc các cuộc trao đổi, hợp tác chặt chẽ với các nền tảng truyền thông xã hội để yêu cầu gỡ xuống, tăng hồ sơ của họ trên mạng xã hội, thao túng thông tin v.v…” Tôi có hỏi Sinpeng hai câu. Một, truyền thông Thái, tiếng Anh lẫn Thái, có ủng hộ phong trào đấu tranh chính trị để thay đổi tại Thái không, thì Sinpeng cho biết truyền thông Thái vẫn bị chia rẽ, cho nên không có gì lạ khi bật TV ở các kênh lớn và không thấy bản tin nào về các cuộc biểu tình. Hai, tôi hỏi Sinpeng nghĩ sao về ảnh hưởng của Liên minh Trà sữa (Milk Tea Allowance) lên phong trào tại Thái, thì Sinpeng cho rằng mặc dầu nó mang tính cách tượng trưng hơn là một liên minh phối hợp chặt chẽ, những biểu tượng đấu tranh mà các phong trào này dùng được chia sẻ rộng rãi, và qua đó liên kết họ lại với nhau. Biểu tượng mang tính quan trọng, cần thiết và hữu ích cho mục tiêu chung.
Hai, họ là những trí thức mong muốn thực hiện đúng chức năng/vai trò của mình. Người trí thức, theo tôi, phải hội đủ vài yếu tố căn bản như sau. Một, phải là người có tư duy độc lập và phê phán để có thể đi đến tận cùng sự thật, để tìm ra được cái nhân và quả, các mối liên hệ chằng chịt phức tạp của những vấn đề họ chuyên môn hay quan tâm. Hai, không chỉ phải có kiến thức thôi, người trí thức phải dám thẳng thắn trình bày những thông tin, kiến thức và quan điểm của mình để giúp cho người dân, cộng đồng, quốc gia hay quốc tế nhìn ra được hư thực của vấn đề, ngay cả khi chính quyền hay một hay nhiều bộ phận dân tộc nào đó chống đối. Ba, người trí thức có thể tự tạo ra quyền lợi và quyền lực do khả năng trí tuệ hay chuyên môn đích thực của mình, nhưng họ cũng sẽ đánh mất tính cách trí thức của mình nếu vì quyền lợi hay quyền lực mà ‘bẻ cong ngoài bút’.
Trong bốn đề tài thảo luận, những diễn giả trên đều phân tích vấn đề sâu sắc từ góc nhìn chuyên môn của họ. Tất cả đều có tư duy độc lập và thẳng thắn nói lên các vấn đề nhức nhối mà Thái Lan đang đối diện, dù có đụng chạm đến giới cầm quyền và thành trì quyền lực (the establishment). Họ nhìn nhận và phân tích vấn đề dựa trên những thông tin, dữ kiện, lý thuyết và/hay phương pháp luận. Thấy điều gì cấp tiến và hiệu quả thì họ khen ngợi, điều gì tiêu cực và vô hiệu thì họ phê phán, nhưng luôn dựa trên cơ sở/hệ thống. Họ có khuynh hướng cấp tiến và muốn xã hội Thái tiến bộ, thay vì chấp nhận hay hài lòng với những gì đang có. Bằng cách này hay cách khác, giới trí thức Thái tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục công chúng, như viết bình luận/phân tích trên các cơ quan truyền thông, trên truyền hình, truyền thanh hay mạng xã hội.
Chẳng hạn, đứng trước khủng hoảng Covid-19, và hệ quả của nó đối với kinh tế Thái, tiến sĩ Pavida Pananond thuộc Thammasat University, quan tâm đến đường hướng chính sách đầu tư và thương mại trong vấn đề quản lý kinh tế quốc gia trong thời gian tới. Pananond quan ngại vì nguồn vốn đầu tư nước ngoài đối với Thái Lan trong năm 2020 đã giảm 50%, trong khi toàn vùng 31% và Việt Nam chỉ 10%. Pananond cộng tác với tờ The Bangkok Post.
Ba, họ có tầm nhìn tích cực và sâu sắc về chính trị. Trong bốn ngày thảo luận, các trí thức Thái phân tích các vấn đề Covid-19, cũng như ảnh hưởng của nó lên trên kinh tế, thương mại, công ăn việc làm/thất nghiệp, giới trẻ và các cuộc biểu tình, v.v… Các vấn đề ngoại giao và chiến lược an ninh như tác động của Hoa Kỳ và Trung Quốc lên địa chính trị trong vùng châu Á, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, kể cả Thái Lan, cũng được thảo luận. Nhận xét của tôi là đại đa số diễn giả cho rằng giải pháp giúp cho Thái Lan vượt qua khủng khoảng hiện nay phải là cải tổ chính trị, về nhiều mặt. Thủ tướng Prayut và bè nhóm phải ra đi, và phải có cải tổ chính trị sâu rộng, kể cả hiến pháp. Cần phải cải tổ các cơ quan công quyền cứng ngắt và thiếu hiệu quả, nhưng mọi cải tổ các cơ quan công quyền đều chẳng có giá trị nào nếu không có cải tổ chính trị đi trước. Ngoài ra, không ai muốn một cuộc đảo chánh nữa xảy ra, vì quá nhiều rồi mà cũng chẳng thay đổi được gì, và nếu có tu chính hiến pháp thì phải mang ý nghĩa đích thực thay vì để củng cố quyền lực của phía lên nắm quyền.
Giáo sư hàng đầu về kinh tế của Thái, Pasuk Phongpaichit, sau khi trình bày các vấn đề kinh tế và phát triển của Thái Lan, khẳng định rằng nếu không có cải tổ chính trị sâu sắc, nếu chính quyền Prayut hiện nay không ra đi, thì không có hy vọng gì cho Thái Lan.
Tiến sĩ Kanokrat Lertchoosakul, người chuyên nghiên cứu về phong trào sinh viên từ thập niên 1970s, cho rằng chính quyền hiện nay không biết cách đối phó với sinh viên. Tiến sĩ Anyarat Chattharakul thì đặt kỳ vọng vào giới trẻ, những người đang muốn thay đổi Thái Lan, và cầu mong cuộc đấu tranh của họ thành công.
Thay đổi một xã hội bảo thủ, cực kỳ bảo hoàng, là điều không hề dễ. Trong khi đó, thành trì quyền lực lại không muốn bị mất ảnh hưởng hay quyền lực nên họ sẽ làm mọi thứ để cản trở hay đè bẹp mọi khuynh hướng hay nỗ lực nào muốn thay đổi. Nhưng người dân Thái, nhất là giới trẻ, không cam chịu ngồi yên chấp nhận số phận của họ. Họ biết muốn thay đổi thì phải đấu tranh quyết liệt thì mới có. Điều may mắn cho Thái Lan là có được những trí thức như thế. Họ giảng dạy và ảnh hưởng tích cực và trực tiếp lên giới trẻ Thái Lan.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi giới trẻ Thái Lan hôm nay có cái nhìn cấp tiến và dấn thân tích cực vào công cuộc thay đổi xã hội và đất nước của họ. Với hành trang như thế, chắc chắn một ngày không xa, thế hệ trẻ Thái sẽ tích cực góp phần đem lại thay đổi sâu rộng, để chấm dứt văn hóa độc tài và vấn nạn thao túng trường kỳ của quân đội Thái vào nền chính trị quốc gia.