Xuất hiện từ những năm 1980, chủ nghĩa tân duy sử (New historicism), vốn thịnh hành chủ yếu tại Hoa Kỳ với bốn đại biểu chính là Stephen Greenblatt, Louis Montrose, Jonathan Goldberg và Walter Benn Michaels, là một nỗ lực tổng hợp các lý thuyết trước đó, như Mác-xít, chủ nghĩa duy sử cổ điển, chủ nghĩa hiện thực, hậu cấu trúc luận, đặc biệt, hậu cấu trúc luận của Michel Foucault.
Giống các nhà hậu cấu trúc luận, các nhà tân duy sử tin là tác phẩm văn học có tính đa nghĩa, nhưng khác các nhà hậu cấu trúc luận, họ không xem ý nghĩa là một vấn đề mà họ theo đuổi cả trong lý thuyết lẫn trong thực tiễn phê bình.
Giống các nhà Mác-xít, các nhà tân duy sử xem văn bản văn học như nơi thể hiện các quan hệ quyền lực, nhưng khác các nhà Mác-xít, họ không giới hạn các quan hệ ấy chỉ trong cái khung đấu tranh giai cấp.
Giống các nhà hiện thực chủ nghĩa, các nhà tân duy sử quan tâm đến mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, nhưng khác các nhà hiện thực chủ nghĩa, họ quan niệm văn học không bắt chước hiện thực mà là hoà giải (mediate) hiện thực: tác phẩm văn học được ví như một lăng kính qua đó kinh nghiệm của con người được kết tụ lại vào một tiêu điểm; và với chức năng hoà giải, văn học tác động đến việc hình thành diện mạo một thời đại hơn là chỉ phản ánh nó.
Khác các nhà duy sử truyền thống, với các nhà tân duy sử, lịch sử không được nhìn như nguyên nhân hay nguồn gốc của tác phẩm văn học. Ngược lại, mối quan hệ giữa văn học và lịch sử là một mối quan hệ hết sức biện chứng: tác phẩm vừa là sản phẩm vừa là tác nhân của lịch sử.
Mối quan hệ giữa văn học và lịch sử làm cho mọi tác phẩm văn học đều có sử tính. Do đó, để hiểu một tác phẩm văn học, điều chúng ta cần làm là tìm hiểu bối cảnh xã hội và văn hoá đằng sau tác phẩm ấy. Nhưng ngay cả độc giả, nhà phê bình và nhà nghiên cứu văn học sử cũng chịu sự tác động của các ý thức hệ và quan hệ quyền lực trong thời đại mình đang sống.
Hậu quả là, một, không có người đọc hiện đại nào có thể hiểu và cảm một tác phẩm văn học giống như những người đương thời với tác phẩm ấy; hai, dù muốn hay không, nhà phê bình hay văn học sử nào cũng sử dụng văn bản như một cái cớ hay một phương tiện để tái thiết một ý thức hệ nào đó.
Ðiều này cũng có nghĩa là các nhà tân duy sử, một mặt, cho lịch sử nào cũng có tính chủ quan; mặt khác, không có tham vọng khôi phục lại ý nghĩa nguyên thuỷ của tác phẩm: với họ, đó là một điều bất khả.
Ðiều các nhà tân duy sử nhắm đến là khôi phục diện mạo của cái ý thức hệ làm nền tảng cho sự ra đời của tác phẩm và những đóng góp mà tác phẩm ấy mang lại trong việc làm cho ý thức hệ nền tảng của nó lan rộng và ăn sâu vào xã hội. Louis Montrose quan niệm mối quan tâm chính của các nhà phê bình tân duy sử là “tính lịch sử của các văn bản và tính văn bản của lịch sử” (the historicity of texts and the textuality of history).
Gọi “tính lịch sử của các văn bản” vì ông cho tất cả các văn bản đều gắn liền với những chu cảnh (context) xã hội và văn hoá nhất định. Gọi là “tính văn bản của lịch sử” vì ông cho tất cả kiến thức và sự cảm nhận về quá khứ của chúng ta bao giờ cũng tồn tại thông qua các dấu vết văn bản còn sót lại của xã hội.
Với mục tiêu như thế, chủ nghĩa tân duy sử nặng về nhân chủng học và văn hoá học hơn là phê bình văn học, ở đó, văn học chỉ được xem như một tư liệu, giống như vô số các tư liệu khác, không được nhận bất cứ sự ưu tiên hay phân biệt nào so các loại văn bản phi văn học. Ðiều đó có nghĩa là, khi “tính lịch sử của các văn bản” và “tính văn bản của lịch sử” được đề cao, tính văn học bị loại trừ, hoặc ít nhất, bị giảm thiểu đến tối đa khía cạnh thẩm mỹ và tính chất tự trị của nó.
Trong khi chủ nghĩa tân duy sử khởi phát và thịnh hành ở Mỹ, chủ nghĩa duy vật văn hoá (cultural materialism) khởi phát từ Anh và chủ yếu thịnh hành tại Anh.
Cả tân duy sử lẫn duy vật văn hoá đều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác, nhưng trong khi ở chủ nghĩa tân duy sử, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác tương đối nhạt so với ảnh hưởng của Michel Foucault; ở chủ nghĩa duy vật văn hoá, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác rất sâu đậm, đặc biệt, qua sự diễn dịch của nhà phê bình Mác-xít Raymond Williams và Antonio Gramsci.
Cả tân duy sử và duy vật văn hoá đều quy tụ, trước hết, các nhà văn học sử chuyên về thời Phục Hưng và đều say mê Shakespeare, muốn tìm kiếm những ánh hồi quang của lịch sử trong tác phẩm của Shakespeare và ngược lại, dấu vết ảnh hưởng của Shakespeare trong lịch sử thời ông cũng như các thời sau đó.
Cả hai đều quan niệm văn học cần phải được đặt trong bối cảnh xã hội và văn hoá rộng lớn hơn: mỗi tác giả đều sống trong một thời đại nhất định, chịu ảnh hưởng và nội tâm hoá một số ý thức nhất định; những ý thức hệ ấy trở thành một phần trong tác phẩm của họ, bởi vậy tác phẩm của họ bao giờ cũng có tính lịch sử và bao giờ cũng ít nhiều tham gia vào sự tương tác giữa các quan hệ quyền lực trong xã hội.
Nếu các nhà tân duy sử đánh đồng văn bản văn học và văn bản phi văn học, các nhà duy vật văn hoá đánh đồng mọi hình thức văn hoá, từ văn hoá cao cấp đến văn hoá bình dân, từ các tác phẩm kinh điển đến các chương trình giải trí trên tivi. Theo Raymond Williams, Stuart Hall và Richard Hoggart, sự phân biệt giữa văn hoá cao cấp và văn hoá bình dân xuất phát từ sự phân chia giai cấp trong xã hội: với họ, đối tượng nghiên cứu của nhà phê bình và các nhà văn học sử là những cách thức các nền văn hoá khác nhau “kể chuyện” về chính chúng qua các hình thức truyền thông và cách thức thể hiện nghệ thuật khác nhau.
Bởi vậy, cũng giống chủ nghĩa tân duy sử, chủ nghĩa duy vật văn hoá nặng về lãnh vực văn hoá hơn là văn học: cả hai đóng góp nhiều trong việc soi sáng lịch sử hơn là văn học.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1