Đường dẫn truy cập

Chủ tịch nước Việt Nam sang Mỹ thảo luận chiến lược


Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang
please wait

No media source currently available

0:00 0:05:48 0:00
Tải xuống
Chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào ngày 25/7 tới đây sẽ là cơ hội giúp hai nước cựu thù xác định lại quan hệ song phương.

Đó là nhận định của hai nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á, Murray Hiebert và Phoebe De Padua của tổ chức Sumitro Chair for Southeast Asia Studies thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu về chính trị Đông Nam Á Murray Hiebert
Nhà nghiên cứu về chính trị Đông Nam Á Murray Hiebert

Trong bài phân tích được CSIS phổ biến ngày 11/7, hai nghiên cứu gia này cho rằng đối với Việt Nam, chuyến đi là dịp để Hà Nội theo đuổi các vấn đề như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, thắt chặt quan hệ quân sự, và thảo luận các vấn đề an ninh khu vực với Hoa Kỳ, đặc biệt là vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Về phía Hoa Kỳ, theo tác giả phân tích, chuyến thăm của ông Sang sẽ mở ra cơ hội để Washington thảo luận với Hà Nội các quan ngại về thực trạng nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam.

Các giới chức đôi bên nhận xét những vấn đề này trước đây từng là một sự thảo luận một chiều, nhưng nay đang dần mang tính tương tác hơn. Và dù chưa dỡ bỏ được những cách biệt, nhưng hai nước đã bắt đầu xây dựng nền tảng để cân nhắc và tôn trọng lẫn nhau.

Nhân quyền

Chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, ông Carl Thayer, cho rằng nhân quyền nên là một phần trong chiến lược chung của Hoa Kỳ, nhưng không nên trở thành tâm điểm làm trở ngại tiến bộ trong các lĩnh vực khác trong mối quan hệ Việt-Mỹ.

Chuyến đi của ông Sang diễn ra giữa lúc Việt Nam đang leo thang chiến dịch đàn áp các blogger, những tiếng nói bất đồng quan điểm chính trị, với nhiều vụ bắt giữ liên tiếp, giữa lúc đà tăng trưởng kinh tế quốc gia đang trì trệ và những mâu thuẫn trong nội bộ đảng cộng sản cầm quyền gia tăng.

Trong khi đó, giới lập pháp tại Mỹ không ngừng áp lực đòi chính phủ của Tổng thống Obama phải ứng phó trước các vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng của Việt Nam.
Dân biểu Frank Wolf
Dân biểu Frank Wolf

Mới đây, Đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm hoạt động về các vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Mỹ, dân biểu Frank Wolf, một lần nữa mạnh mẽ chỉ trích Washington lơ là trước tình trạng vi phạm nhân quyền xuống dốc của Hà Nội.

Phát biểu trước Quốc hội hôm đầu tuần, dân biểu Wolf lên án chính phủ của Tổng thống Obama đã thất bại trong việc đưa nhân quyền và tự do tôn giáo lên vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ông Wolf nói: “Quyết định trao giải Nobel Hòa Bình cho Tổng thống Obama vì những gắn kết của ông với nhân quyền đã được dựa trên sự hy vọng sai lầm, chứ không phải dựa trên thành tích thật sự. Thực tế cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama đã tỏ ra im lặng hoặc thiếu khả năng trong việc cổ xúy cho những người bị đàn áp tại nhiều quốc gia.”

Một học giả quốc tế am tường về Việt Nam, Phó giáo sư Jonathan London thuộc Đại học Tổng hợp Hồng Kông, cho rằng cải cách hữu hiệu nhất cho Việt Nam bây giờ là cho phép toàn dân tham gia vào cuộc sống chính trị của đất nước một cách công bằng, xóa bỏ việc đàn áp, và phát triển những thể chế dân chủ.

Ông London nói có như vậy Việt Nam mới trở thành một nước văn minh, được thể giới tôn trọng, cải thiện mối quan hệ hợp tác Việt-Mỹ.

Bởi lẽ, vẫn theo ông London, không chỉ chính phủ Mỹ, mà những người bạn quốc tế của Việt Nam, và quan trọng nhất là đại đa số người dân Việt đều mong muốn Việt Nam cải cách.

Vấn Đề Biển Đông

Một đề tài nóng khác sẽ được mang ra thảo luận trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ hôm 25/7 là vấn đề Biển Đông.

Đôi bên dự kiến sẽ tán thành các nỗ lực giữa ASEAN với Trung Quốc để tiến tới một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý, giúp tránh xung đột tại Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer (trái) tại Hội nghị về Biển Đông của USCIS
Giáo sư Carl Thayer (trái) tại Hội nghị về Biển Đông của USCIS

Theo đề nghị của giáo sư Carl Thayer, Hoa Kỳ nên xem xét các cách hỗ trợ Việt Nam nâng cao công tác tuần tra biển như bán cho Việt Nam kỹ thuật radar biển, hỗ trợ công tác tuần tra biển trên không, và phát huy hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Mỹ với cảnh sát biển Việt Nam.

Tuy nhiên, các phân tích gia của Viện nghiên cứu CSIS cho rằng những thành phần bảo thủ tại Việt Nam dường như ngần ngại không muốn tăng tốc quá nhanh trong mối quan hệ với Hoa Kỳ vì e làm Trung Quốc khó chịu.

Quan hệ Mậu dịch

Trong lĩnh vực thương mại, các nhà phân tích cho rằng trong chuyến thăm Mỹ lần này, ông Trương Tấn Sang trông đợi tín hiệu từ Tổng thống Obama cho phép ngành công nghiệp dệt may đang nở rộ của Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ, vốn là điều kiện chủ yếu để Hà Nội đồng ý với các điều khoản khác trong TPP.

Một số đối tác thương lượng TPP đang âm thầm thúc giục Mỹ cân nhắc kỹ hơn về việc này vì cho rằng Việt Nam cần phải tham gia vào một thỏa thuận mà qua đó có thể giúp Việt Nam sắp xếp lại toàn bộ luật lệ và phương thức giao tiếp thương mại với các đối tác trong TPP.

Về phần mình, Washington trông đợi Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam được nhà nước trợ giá. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng muốn Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Chưa rõ liệu hai nước Việt-Mỹ có cho rằng đã tới lúc vực dậy quan hệ đối tác chiến lược hay chưa, nhưng cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ tại Tòa Bạch Ốc tới đây, theo dự kiến, sẽ bao quát nhiều vấn đề từ kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh đến các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Cả đôi bên nhận rõ rằng duy trì quan hệ chặt chẽ là lợi ích chiến lược của họ và chuyến đi Mỹ của Chủ tịch nước Việt Nam sẽ tái khẳng định niềm tin chung đó cũng như mở đường cho một mối quan hệ đối tác Việt-Mỹ tăng cường hơn trong thập niên tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG