Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ sớm thăm Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc loan báo ngày 29/7.
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Phủ Chủ tịch, ông Phúc nói ông mong đợi chuyến công du tới đây của bà Harris, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Các quan chức Mỹ tháp tùng Bộ trưởng Austin không xác nhận tin về chuyến viếng thăm của bà Harris và đề nghị VOA liên lạc Tòa Bạch Ốc về việc này.
Ông Austin, giới chức Nội các đầu tiên của chính quyền Biden đến thăm Việt Nam, giữa lúc dịch COVID đang hoành hành Việt Nam và chỉ vài ngày sau khi Mỹ chuyển 3 triệu liều vaccine Moderna tặng cho Việt Nam. Chuyến hàng này nâng tổng số vaccine Mỹ đã tặng Việt Nam lên thành 5 triệu liều.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau…không có ràng buộc điều kiện gì cả,” ông Austin nói với ông Phúc. “Đây là chuyện bạn bè giúp nhau khi cần kíp.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tìm cách làm sâu rộng thêm các quan hệ với Hà Nội giữa lúc hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng tăng.
“Đây là một phần trên thế giới nơi mà Trung Quốc tiếp tục hung hăng, do đó Bộ trưởng Quốc phòng tới đây là điều quan trọng,” phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói với phóng viên ngày 29/7.
Hà Nội ngày càng lên tiếng chống lại tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông. Tàu thuyền Trung Quốc bị cáo buộc quấy nhiễu các công ty khai tác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, ngăn chặn sự phát triển năng lượng.
Trong quá khứ, Mỹ từng cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần duyên để giúp tăng tiến khả năng phòng vệ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trên vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền.
Bất chấp các quan hệ cộng sản giữa Trung Quốc và Việt Nam, Bắc Kinh ngày một trở thành đối nghịch với Hà Nội trong khi quan hệ Mỹ-Việt nảy nở, theo ông Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
“Thật tuyệt vời hai nước đã tiến xa như thế trong 40 năm qua. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Mỹ là nhà đầu tư chính, và có một số quan hệ quân sự chặt chẽ hơn bất cứ nước nào tại Đông Nam Á,” ông Hiebert nói.
Tuy nhiên các quan chức trong chính quyền Biden khẳng định quan hệ giữa Washington với Hà Nội vẫn hạn chế cho tới khi nào Hà Nội có tiến bộ trong vấn đề nhân quyền.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Bộ trưởng Austin đã nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc gặp với Chủ tịch nước, Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói “bạn bè và đối tác tốt nên có những thảo luận cởi mở và thẳng thắn với nhau về những vấn đề khó khăn, nhạy cảm,” theo ông Kirby.
Ông Austin và đối tác quốc phòng phía Việt Nam ký một bản ghi nhớ ngày 29/7 mở rộng hỗ trợ cho các nỗ lực của Việt Nam trong việc xác nhận địa điểm và nhận diện những người Việt chết hay mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Một quan chức cao cấp quốc phòng cho báo giới hay công tác tìm kiếm của Việt Nam sẽ được hỗ trở bởi trung tâm dữ liệu do Harvard và Đại học Công nghệ Texas thành lập.