Vị thế chính trị của những người chủ trương nên cung cấp vũ khí hạt nhân cho các đồng minh của Mỹ ở Á Châu có thể tăng mạnh nếu ông Donald Trump trở thành tổng thống kế tiếp của Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, những phát biểu của nhân vật sắp được đảng Cộng hoà đề cử làm ứng cử viên tổng thống đã gây ra những mối nghi ngờ về cam kết của Washington đối với an ninh của Á Châu và làm mạnh thêm lập luận của những người cho rằng các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á nên có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ.
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, ứng viên Donald Trump của phe Cộng hoà đã đề nghị để cho Nhật Bản và Nam Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, và rút lính Mỹ ra khỏi những nước nào không chịu chi trả thêm cho các căn cứ quân sự Mỹ ở nước họ.
Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ trú đóng ở Nam Triều Tiên và 54.000 quân nhân đồn trú ở Nhật Bản. Mỗi năm, Nhật Bản trả khoảng 1,6 tỉ đô la, và Seoul trả hơn 866 triệu đô la cho Washington để bù đắp cho chi phí vận hành các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước họ.
Một số chuyên gia cho rằng nếu đề nghị của ông Trump được thực thi, điều đó sẽ vi phạm Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
Ông Moon Keun Sik, một nhà phân tích của Diễn đàn Quốc phòng và An ninh ở Nam Triều Tiên, cho biết như sau.
"Nếu các đồng minh của Mỹ bảo vệ cho chính họ theo cách thức mà ông Trump đã nói, thì liên minh hiện nay sẽ bị tan vỡ, và nó sẽ dẫn tới một tình huống trong đó các nước Á Châu sẽ nối tiếp nhau thủ đắc vũ khí hạt nhân."
Bất chấp những mối quan tâm đã bắt đầu khi Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân, hoặc gần đây hơn, khi Bắc Triều Tiên tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân bất hợp pháp, Washington đã có thể thuyết phục hoặc gây áp lực để các nước đồng minh ở Á Châu nương tựa vào “ô dù hạt nhân” của Mỹ.
Tuy nhiên, việc ông Trump doạ rút khỏi Châu Á có thể làm mạnh thêm những tiếng nói thiểu số tại quốc hội Nhật Bản và Nam Triều Tiên cho rằng họ không thể tiếp tục nương tựa vào nước Mỹ.
Về việc này, giáo sư Hiroshi Nunokawa của Đại học Hiroshima, cho biết như sau.
"Nếu những tuyên bố của ông Trump trở thành hiện thực, sẽ có các chính khách tán thành và tôi tin là sẽ có nhiều người cảm thấy phấn khởi. Nếu Nam Triều Tiên và Nhật Bản có vũ khí hạt nhân, điều đó có phần chắc sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, chính đáng hoá chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và làm cho Nga và Trung Quốc ngưng hậu thuẫn cho việc áp đặt các biện pháp chế tài nhắm vào chính phủ của ông Kim Jong Un."
Mặc dù ông Trump chỉ là một ứng cử viên và chưa phải là tổng thống, những tuyên bố của ông đang gây xôn xao cho dư luận ở Á Châu, và nhiều người tin rằng thông điệp của ông, bất kể là vô tình hay cố ý, cũng đều làm sút giảm sự tin tưởng về cam kết của Mỹ đối với khu vực này.