Tên của nhân vật hiện là tâm điểm của tranh cãi ngoại giao Việt – Đức vẫn chưa có trên trang web “những người bị truy nã” của tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), dù Hà Nội từng tuyên bố truy lùng ráo riết ông trên toàn thế giới.
Danh sách các nhân vật bị truy nã trên toàn cầu của Interpol hôm 5/8, trong đó có nhiều công dân Việt Nam, chưa có ai tên là Trịnh Xuân Thanh.
Gần một năm trước, Bộ Công an Việt Nam phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế đối với Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam vì “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Mới đây, Bộ Công an Việt Nam ra thông cáo nói rằng ông Thanh đã “ra đầu thú” hôm 31/7. Không lâu sau đó, Bộ Ngoại giao Đức lên tiếng cáo buộc Hà Nội “bắt cóc” ông tại Berlin.
Chưa rõ vì sao tên của ông Thanh chưa xuất hiện trên trang Interpol gần một năm qua dù quan chức công an Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh phối hợp với Cảnh sát Hình sự Quốc tế truy tìm ông trên toàn cầu.
Báo điện tử VnExpress từng dẫn lời ông Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết rằng “Việt Nam đã liên hệ các cơ quan có thẩm quyền của Đức, Mỹ, Canada, Séc... phối hợp truy tìm” ông Thanh theo lệnh truy nã quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng từng được trang mạng này dẫn lời nói rằng “Ban thư ký của Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh từ 29/9 (năm 2016), sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan điều tra Việt Nam”.
Mới đây nhất, hôm 3/8, luật sư của ông Thanh xác nhận với VOA tiếng Việt rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này đã nộp đơn xin tị nạn chính trị ở Đức để được bảo vệ do lo sợ không được đảm bảo về mặt luật pháp ở Việt Nam.
Chính phủ Đức đã yêu cầu Hà Nội cho phép ông trở lại quốc gia Tây Âu này để được xét đơn cũng như để cân nhắc yêu cầu dẫn độ ông của Việt Nam.