Cứ như lãnh đạo đảng CS cố tình thách thức dư luận, khinh thường xã hội, khiêu khích nhân dân, trong khi họ tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI.
Trong phiên họp Quốc hội sắp đến, có lẽ 2 đạo luật mà xã hội trông đợi nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Báo chí (mới) từng được họ hứa hẹn và chuẩn bị 2 năm nay vẫn sẽ nằm đắp chăn chưa biết đến bao giờ.
Nông dân ta – 70% số dân đã và đang bị cướp đất bởi đủ loại cường hào mới - từng bị đảng CS lợi dụng dưới phương châm "liên minh công nông" ngọt ngào, đã cảm thấy rõ mình bị phản bội, mất phương tiện sinh sống, sau khi hy sinh hàng triệu con em ưu tú nhất của nông thôn cho cuộc chiến tranh mà kết quả bị nhóm lãnh đạo cộng sản độc chiếm. Nông dân đang thất nghiệp từng mùa, đang kiếm không ra việc, vậy mà họ đưa hàng ngàn, hàng vạn lao động Trung Quốc vào khai mỏ bôxít, chì, đồng, xây nhà máy điện, trồng rừng quy mô hàng chục vạn hec-ta… Họ quý trọng nông dân như vậy à?
13 ngàn nhà báo nói, báo viết, báo mạng bị kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, tinh vi để chỉ được viết những điều được cho phép, tự do báo chí bị xếp vào hàng 167/178 nước trên thế giới. Voltaire từng nói: "Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi tự do", ngăn cấm tự do báo chí là đòn chí mạng đánh vào toàn dân, toàn xã hội. Hiện nay, lãnh đạo kêu gọi góp ý với đảng nhân Đại hội XI, vậy yêu cầu nóng bỏng đầu tiên là đảng CS có trả lại cho mỗi nhà báo Việt Nam, cho toàn xã hội quyền tự do ngôn luận như ghi trong hiến pháp hay không?
Họ quý trọng các nhà báo như vậy ư?
Lãnh đạo hứa hẹn sẽ giải quyết sớm các vụ tham nhũng trọng điểm, nổi cộm nhất, vậy trước khi Đại hội XI họp, các vụ án tham nhũng trọng điểm toàn xã hội và dư luận quốc tế mong chờ giải quyết minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng luật, là: vụ PMU18 kéo dài 4 năm, vụ ăn hối lộ của phía Nhật Bản PCI, vụ ăn hối lộ cuả công ty Mỹ Nexus Technologies, vụ ăn hối lộ của công ty Úc Securency, vụ án bà Ba Sương – nông trường sông Hậu… Không thể cứ nói một đường làm một nẻo, chây ỳ, trâng tráo mãi. Họ thật sự, khẩn trương chống tham nhũng như vậy ư?
Vừa rồi lãnh đạo cử Nguyễn Chí Vịnh trên chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sang Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, bàn thảo với bộ trưởng quốc phòng 3 nước lớn ấy, trong khi cuộc họp Ban Chấp hành trung ương đảng năm 2006 đã từ chối không cho Vịnh vào Ban Chấp hành trung ương như đề nghị của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, trong khi bản Báo cáo đặc biệt do Ban Kiểm tra Liên ngành về Tổng cục 2 và Nguyễn Chí Vịnh tuy đã hoàn thành vẫn còn bị ‘khoanh lại’ và giữ kín. Rõ ràng việc đưa Vịnh lên cấp trung tướng và giao cho chức Thứ trưởng Quốc phòng, còn lấn lướt cả quyền của Bộ trưởng đương nhiệm Phùng Quang Thanh, là một thách thức nghiêm trọng luật pháp hiện hành, thách thức sự can ngăn của Trung ương 4 năm về trước, thách thức các kiến nghị của các Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Nam Khánh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh… là những người đều nhất loạt cho đây là vụ án "siêu nghiêm trọng" của nhà nước, của quân đội, không thể nào bỏ qua, ém nhẹm đi được. Đây là vụ án mà dư luận trong đảng và ngoài xã hội đòi hỏi phải công khai minh bạch ngay trước và trong kỳ họp Đại hội XI.
Như muốn thách thức thêm dư luận, Trung tá Vũ Minh Trí, cán bộ làm việc trong Tổng cục II, vừa nhận quyết định tước quân hàm sỹ quan và khai trừ khỏi đảng chỉ vì đã công khai gửi cho lãnh đạo bản tố cáo những bê bối nghiêm trọng của Nguyễn Chí Vịnh. Ông Trí công khai khẳng định ông không có tội, xin giải ngũ, nhưng ông vẫn bị giữ lại trong quân đội, để họ hạch tội thêm theo kiểu trả thù – có thể là thủ tiêu một con người yêu nước trung thực - nhằm ém chuyện bê bối xấu xa này của chính họ.
Thách thức lớn nhất chưa từng có của nhóm lãnh đạo hiện nay là họ phải trả lời minh bạch trước nhân dân và đảng viên ở cơ sở, là: họ đã có thái độ ra sao trước sự lấn lướt chèn ép của thế lực bành trướng phương Bắc. Đó là lập trường vững chắc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững nền độc lập tự chủ, với tư thế tự lực tự cường, tuy không kiêu ngạo, không khiêu khích nước lớn; hay là lập trường nhu nhược hèn yếu, dựa dẫm, bị nước lớn lợi dụng, uy hiếp, mua chuộc, bị họ "được đằng chân lân đằng đầu", "được voi đòi tiên", chuốc lấy muôn vàn tai họa cho dân cho nước, còn họ thì "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi", chỉ nghĩ đến lợi ích của phe đảng, của cá nhân mình.
Vậy thì nhân thảo luận các văn kiện của Đại hội XI, lãnh đạo hãy trình bày rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, có dẫn chứng đầy đủ, về: các Hiệp định Việt – Trung 1999 và 2000, về Cổng Nam Quan, Bản Giốc, vùng núi Lão Sơn, về vùng Biển Đông, hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa, về khai thác Bôxit, về cho thuê hàng chục vạn héc-ta rừng trong 50 năm, về cho lao động Trung Quốc vào nhiều vùng nước ta, về sao lại phải đưa bộ phim sử thi lớn nhất về Lý Thái Tổ sang tận Triết Giang – Hoa Nam để quay dưới sự đạo diễn của người Trung Quốc, hàng ngàn người Trung Hoa đóng giả người Việt, đóng giả dân Kinh Kỳ Thăng Long thời Đinh, Lê và thời Lý?
Tất cả những vụ việc trên là việc làm đúng hay sai? Dựa trên quyền lợi tối cao lâu dài của dân tộc hay trên lợi ích ích kỷ mang tính chất phe phái, cá nhân, của tư bản cánh hẩu – crony capitalism – như nhóm tư vấn cho thủ tướng Việt Nam của Đại học Harvard – Hoa Kỳ nhận định.
Trên đây có phải là một chuỗi dài vụ bê bối trong nhiệm kỳ X của cơ quan lãnh đạo Đảng CS và chính phủ những năm qua, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, có hệ thống do cơ chế chuyên quyền, độc quyền một đảng tạo nên, đang khiêu khích trí khôn của toàn dân?
Hay chỉ là tưởng tượng, bịa đặt, vu cáo của những thế lực "phản bội, phản động và bất mãn" tạo nên để phá hoại đất nước và nhân dân, như báo và đài ở Hà Nội thường nhận định.
Xin để bà con ta ở trong và ngoài nước ngẫm nghĩ và cho ý kiến. Xin đa tạ.
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1