Hôm 14/1, các chuyên gia nhân quyền LHQ ra thông cáo cho biết các bản án nặng nề đối với ba nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam, chỉ vài tuần trước Đại hội XIII, gửi đi một thông điệp lạnh lùng đến những người bảo vệ nhân quyền và những ai làm việc trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, các chuyên gia LHQ còn khuyến nghị Việt Nam sửa đổi Điều 117 Bộ Luật Hình sự về “Tuyên truyền chống Nhà nước.”
Các Báo cáo viên Đặc biệt viết trên trang web của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR): “Các bản án dành cho các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn là một phần của xu hướng gia tăng truy tố, giam giữ tùy tiện, trả thù, đối xử tệ và xét xử không công bằng nhắm vào các nhà báo độc lập, blogger, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.”
“Chỉ vài tuần trước Đại hội Đảng Toàn quốc, những án tù và hình phạt nặng nề này không chỉ là một sự đàn áp trắng trợn đối với báo chí độc lập mà còn là một nỗ lực rõ ràng để tạo ra một hiệu ứng sợ hãi cho những người muốn chỉ trích chính phủ,” các chuyên gia LHQ cho biết.
Ngoài ra, các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ còn bày tỏ quan ngại về việc ba nhà báo này đã bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự: “Chúng tôi vô cùng băn khoăn về việc tiếp tục sử dụng Điều 117 Bộ Luật Hình Sự quá rộng và dường như nhằm mục đích bịt miệng những người tìm cách thực hiện quyền con người để tự do bày tỏ quan điểm và chia sẻ thông tin với những người khác.”
Các chuyên gia LHQ nói thêm: “Mặc dù Chính phủ Việt Nam cho rằng họ chỉ truy tố và xét xử những người vi phạm pháp luật, nhưng rõ ràng Điều 117 này không phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam và cần được sửa đổi.”
Các chuyên gia nhân quyền LHQ kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.
Các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả những người khác hiện đang bị giam giữ vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận, chẳng hạn như ông Lê Anh Hùng, một thành viên khác của IJAVN, và là một cộng tác viên của VOA Tiếng Việt trước khi bị bắt vào tháng 7/2018.
Ông Hùng bị cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Ông Vũ Quốc Ngữ thuộc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền nói với VOA hôm 15/1 rằng Việt Nam cần sửa đổi các điều luật rộng và mơ hồ của Bộ Luật Hình sự 2015, điển như như Điều 117 đã từng được Uỷ ban Nhân quyền LHQ khuyến nghị bỏ, để phù hợp với các cam kết của chính quyền Việt Nam với quốc tế.
Tuy nhiên, ông nhận định rằng còn mất khá nhiều thời gian để Việt Nam thay đổi Bộ Luật hình sự bởi sức ép quốc tế chưa đủ lớn.
Ông nói:
“Chính quyền Việt Nam sẽ phải thay đổi Bộ Luật Hình sự để đảm bảo các lời hứa, các cam kết quốc tế, nhưng việc này tôi nghĩ chưa thể xảy ra trong tương lai gần, có lẽ là sẽ cần thời gian rất dài vì hiện nay Việt Nam hay tảng lờ hay phản đối các yêu cầu của cộng đồng quốc tế.
“Những tác động hay sức ép của cộng đồng quốc tế để Việt Nam thay đổi còn yếu và chưa gắn chặt với các vấn đề kinh tế, quân sự mà Việt Nam đang có với các quốc gia EU và Hoa Kỳ. Sức ép vẫn chưa đủ lớn để buộc chính quyền Việt Nam thay đổi.”
Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra từ ngày 25/1-2/2/2021, một sự kiện quan trọng nhất của chính quyền Việt Nam khi các vị trí lãnh đạo “tứ trụ” được bầu chọn.