Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Mỹ-Trung đàm phán thương mại là ‘tiến bộ đáng hoan nghênh’


Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (giữa) dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đi đàm phán thương mại ở Trung Quốc ngày 3/5/2018.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (giữa) dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đi đàm phán thương mại ở Trung Quốc ngày 3/5/2018.

Một phái đoàn thương mại cấp cao của Hoa Kỳ bắt đầu đàm phán với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh giữa lúc Washington đang nỗ lực giải quyết những lo ngại sâu sắc về chính sách kinh tế của Trung Quốc. Một số người xem cuộc họp này một bước đi tích cực, khi hai bên đều cố gắng tránh để nổ ra một cuộc chiến thương mại. Các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng sẽ không giải quyết được những khác biệt, nhưng quyết định tiếp tục đàm phán là một tiến bộ đáng hoan nghênh.

Tổng thống Donald Trump nói trên Twitter rằng các giới chức Mỹ đang “cố gắng thương lượng một sân chơi bình đẳng về thương mại”.

Raymond Yeung, một nhà kinh tế cấp cao của Greater China tại Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand, nói rằng nếu hai bên có thể ít nhất đồng ý tiếp tục đàm phán với nhau, thì đó là một tiến bộ lớn.

Chuyên gia Yeung nói: “Tôi cho là quá tham lam khi trông đợi cả hai có thể đưa ra một thỏa thuận, thông báo hoặc ký một thỏa thuận”.

“Nhưng nếu họ có thể cam kết sẵn sàng ngồi xuống và tiếp tục đối thoại, cố gắng giải quyết những khác biệt, thì ít nhất điều đó cũng cho thấy mối quan hệ giữa hai chính phủ đang ấm lên”.

Sự khác biệt về chính sách thương mại và tiếp cận thị trường là một mối quan ngại lâu nay của Hoa Kỳ và các nhà đầu tư nước ngoài khác ở Trung Quốc. Trong những tuần gần đây, tranh luận ngày càng trở nên gay gắt hơn khi Tổng thống Trump đe dọa đánh thuế vào một loạt các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD để trừng phạt Bắc Kinh về “lề lối thương mại không công bằng” như cưỡng bức chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp nhà nước cho ngành công nghệ.

Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc của Washington và khẳng định thị trường của họ đang mở cửa. Trung Quốc gần đây cam kết sẽ loại bỏ mức thuế 25% đối với ô tô ngoại nhập, cho dù đến năm 2022 mới áp dụng.

Chính phủ Trung Quốc cũng phản ứng với các mối đe dọa, nói rằng nếu Hoa Kỳ nhắm vào thuế quan, nước này sẽ đáp trả tương ứng.

Phái đoàn bảy thành viên của Hoa Kỳ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đang gặp gỡ một nhóm các quan chức Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trợ lý thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình, dẫn đầu.

Mặc dù rất khó dự đoán các cuộc họp sẽ diễn ra như thế nào, nhưng Liao Qun, kinh tế gia trưởng của China CITIC Bank International, nhận định đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy cả hai bên đều mong muốn ngồi lại đàm phán với nhau. Còn thực hiện được bao nhiêu là tùy thuộc vào Washington, ông nói.

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã có các bước lớn nhằm tăng cường khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương và đảng Cộng sản lên kinh tế và doanh nghiệp, ngay cả khi Bắc Kinh cam kết tiếp tục mở cửa thị trường.

Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc công bố một kế hoạch về chính sách quan trọng được gọi là “Made in China 2025”, nhằm đưa Trung Quốc lên vị trị thống lĩnh trong 10 ngành công nghiệp thế hệ tiếp theo, từ robot đến xe điện, trí thông minh nhân tạo, công nghệ sinh học và hàng không vũ trụ. Cuộc điều tra của chính quyền Trump về thương mại không công bằng của Trung Quốc đã đề cập đến chính sách này hơn 100 lần.

Chính sách rõ ràng là đặt ra mục tiêu cho các ngành công nghiệp trong nước áp đảo đối tác nước ngoài trên thị trường Trung Quốc và trên toàn cầu. Bắc Kinh mô tả đe dọa của Tổng thống Trump đối với thuế xuất khẩu và tấn công các chính sách của chính quyền là một nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc và buộc thị trường Trung Quốc phải mở cửa nhiều hơn, điều mà các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần là sẽ không bao giờ xảy ra.

Giáo sư Christopher Balding của Trường Kinh doanh HSBC, thuộc Đại học Bắc Kinh, thì việc thu hẹp khoảng cách lớn như vậy trong hai ngày đàm phán sẽ vô cùng khó khăn.

“Tôi sẽ hơi ngạc nhiên nếu có bất kỳ thay đổi thực sự nào về quan điểm thương lượng của một trong hai bên. Cụ thể là Trung Quốc, họ không muốn mở cửa thị trường, đó là điểm cơ bản”, giáo sư Balding nói.

Ông cho rằng điều tốt nhất có thể hy vọng là hai bên có thể tìm được không gian để thỏa hiệp mà không tiến tới một cuộc chiến thương mại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG