Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: ‘Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân muộn còn hơn không’


Kinh tế tư nhân Việt Nam còn nhỏ lẻ, cần sự thúc đẩy của nhà nước
Kinh tế tư nhân Việt Nam còn nhỏ lẻ, cần sự thúc đẩy của nhà nước

Chính phủ Việt Nam mới đây thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trong đó có Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Một chuyên gia kinh tế kỳ cựu đánh giá động thái này là “đúng hướng” và “muộn còn hơn không”.

Các trang thông tin chính thức của chính phủ cho hay hôm 6/10 rằng đứng đầu Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Thành viên hội đồng gồm một số nhân vật đình đám như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam; ông Don Di Lam, một doanh nhân Việt kiều Canada, người cũng có chân trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới; hay ông Vũ Văn Tiền, thành viên Ban Cố vấn Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam.

Trong hội đồng này, có Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do ông Trương Gia Bình làm trưởng ban và ông Don Di Lam là phó trưởng ban.

Thông tin của chính phủ cho biết ban này sẽ nghiên cứu, tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.

Muộn còn hơn không ... việc chính phủ nhận thức thấy và thúc đẩy việc này, theo tôi là điều đúng đắn, và dấy lên niềm hy vọng cho các doanh nghiệp
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Hồi cuối tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình lên thủ tướng đề án về phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Đề án của bộ đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP đạt khoảng 50% và năm 2035 đạt khoảng 60-65%.

Số liệu thống kê cho đến năm 2015 cho thấy kinh tế tư nhân đóng góp hơn 39,21% GDP so với gần 29% của khu vực kinh tế Nhà nước, và hơn 18% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc lập hội đồng và ban kể trên diễn ra trong bối cảnh từ nhiều năm nay ngày càng có những lời kêu gọi mạnh mẽ hơn muốn nhà nước giảm thủ tục hành chính và “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân, trong khi nhiều tập đoàn nhà nước thua lỗ nặng hoặc hoạt động hiệu quả thấp do quản lý kém hoặc tham nhũng.

Không có con số thống kê đầy đủ nhưng tại phiên họp Quốc hội Việt Nam hồi tháng 5, một phó thủ tướng xác nhận có ít nhất 12 dự án của nhà nước bị thua lỗ lớn. Các dự án này có tổng mức đầu tư là 63 nghìn 600 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là hơn 3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các doanh nghiệp đó chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 5, Bộ Tài chính cảnh báo rằng trong năm nay, mức hụt thu ngân sách do doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12 nghìn đến 14 nghìn tỷ đồng.

Nhiều nhà phân tích đã đánh giá rằng thực tế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cho thấy họ chưa đóng được vai trò là nòng cốt của nền kinh tế đất nước, vì vậy cần trao cho doanh nghiệp tư nhân các điều kiện tốt hơn để họ đóng vai trò lớn hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét về quyết định hôm 6/10 của chính phủ:

“Muộn còn hơn không. Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 55 về năng lực cạnh tranh toàn cầu nhưng xếp rất thấp về mặt thể chế, về bộ máy, về chi phí ngoài pháp luật. Cho nên việc chính phủ nhận thức thấy và thúc đẩy việc này, theo tôi là điều đúng đắn, và dấy lên niềm hy vọng cho các doanh nghiệp”.

Việt Nam đã phát triển chậm lại kể từ năm 2011, vừa do những vấn đề nội tại của nền kinh tế, vừa do tác động đáng kể từ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình quân toàn nền kinh tế đạt khoảng hơn 5,9%, thấp hơn so với mức 6,32% của 5 năm trước đó.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần tuyên bố mạnh mẽ rằng chính phủ của ông đặt trọng tâm vào việc kiến tạo phát triển, trong đó có nỗ lực xóa bỏ mọi rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân.

Tôi rất mong là hai ban này sẽ làm việc một cách công khai minh bạch, sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong xã hội, và sẽ nêu lên các kiến nghị cụ thể và sát cánh để giúp đỡ chính phủ để thực thi cái đó trong thực tế.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá các chuyển biến còn chậm. Chuyên gia Lê Đăng Doanh khẳng định cải cách hành chính và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển giờ đây là những vấn đề cấp bách để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Ông nêu ra kỳ vọng về Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân:

“Tôi rất mong là hai ban này sẽ làm việc một cách công khai minh bạch, sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong xã hội, và sẽ nêu lên các kiến nghị cụ thể và sát cánh để giúp đỡ chính phủ để thực thi cái đó trong thực tế. Tôi lại một lần nữa nhấn mạnh là phải công khai minh bạch, hợp tác rộng rãi để tránh, để khắc phục những biểu hiện lợi ích nhóm”.

Các con số không thống nhất của hai bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có trên 535.000 doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, tính đến giữa năm nay. Trong khi đó, số doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh từ 6.000 vào năm 2001 còn 718 ở thời điểm tháng 12/2016.

Theo đề án phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam nhắm mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, năm 2025 là khoảng 1,5 triệu và đến năm 2030 khoảng 2 triệu doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu, đề án kiến nghị chính phủ thực hiện việc quan trọng hàng đầu là sửa đổi các quy định bất hợp lý đang làm gia tăng thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG