Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thăm Nigeria hôm 23 và 24/8 trong khuôn khổ chuyến công du bắt đầu ở Kenya và sẽ kết thúc ở Ả-rập Xê-út. An ninh khu vực và chống khủng bố là những chủ đề chính trong các cuộc hội đàm của ông Kerry với các quan chức chủ nhà. Ngoại trưởng Mỹ cũng thông báo cấp thêm viện trợ để giúp cấp ngân quỹ cho các cuộc tổng tuyển cử trong năm tới ở Kenya, và để bảo đảm các nhu yếu phẩm cho người dân mất nhà cửa do xung đột ở Nam Sudan.
Các lãnh đạo Nigeria đã rất vất vả giữ gìn sự thống nhất ở đất nước bị chia rẽ vì tôn giáo và bị khủng bố bởi các chiến binh Boko Haram. Trong cuộc họp với Tổng thống Muhammadu Buhari và các quan chức hàng đầu của Nigeria, ông Kerry sẽ thảo luận về các nỗ lực chống khủng bố và cố gắng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khoan dung tôn giáo. Ông Steve McDonald, một chuyên gia châu Phi tại Viện Woodrow Wilson, cho rằng Nigeria có thể muốn nhiều điều chứ không chỉ các cuộc hội đàm. Ông nói với VOA:
"Thời gian này, người châu Phi rất, rất thiếu kiên nhẫn với người phương Tây, những người đến cùng với các khoản trợ giúp an ninh thêm nữa và rao giảng với họ. Họ cần thấy một số điều cụ thể. Nếu người phương Tây ngỏ lời cung cấp thêm trợ giúp, thêm trợ giúp an ninh cũng như trợ giúp phát triển, trợ giúp giáo dục, nhất là tập trung vào Bắc Phi, tôi nghĩ người ta sẽ hoan nghênh điều đó".
Ông Kerry đến Nigeria sau chặng dừng chân ở Kenya, nơi ông tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp 25 triệu đôla để giúp nước này chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm tới.
Ông Steve McDonald nói: "Tôi nghĩ khoản trợ giúp bầu cử dành cho Kenya là một điều rất quan trọng. Những cuộc bầu cử như vậy đã không diễn ra suôn sẻ trước đây. Có một số phản đối về kết quả và bầu cử cần diễn ra trơn tru. Kenya là một đối tác cực kỳ quan trọng cả về an ninh lẫn kinh tế ở khu vực đó của châu Phi, và giữ cho đất nước này ổn định cũng như đi đúng đường là điều thực sự quan trọng".
Ở Nairobi, ông Kerry cũng đã gặp gỡ với các quan chức khu vực để thảo luận về các giải pháp cho tình trạng bạo lực ở Nam Sudan. Họ đồng ý về việc cần phải có một lực lượng của khu vực bảo vệ cho dân thường bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Ông Kerry công bố khoản viện trợ mới trị giá 138 triệu đôla để mang lại thực phẩm, nước và thuốc men cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Nam Sudan.
Ngoại trưởng Kerry nói: "Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng điều này không vĩnh viễn, chúng tôi sẽ không đơn thuần lấp đầy một khoảng trống, chúng tôi sẽ không giúp đỡ mãi, nếu họ không sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm và làm những điều cần thiết dành cho người dân của họ".
Các chuyên gia nói rằng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng viện trợ đi đến đúng địa chỉ.
Ông Steve McDonald nói: "Nam Sudan đầy tai tiếng về tham nhũng lớn. Hơn 3 tỷ đôla đã chảy vào Nam Sudan dưới hình thức viện trợ và trợ giúp ngân sách từ khi nước này giành độc lập cách đây vài năm - và hầu hết số đó vào túi các quan chức tham nhũng".
Chính sách của Mỹ đối với Châu Phi có thể thay đổi khi có chính quyền mới. Ông McDonald nói ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump không nắm rõ hoặc quan tâm đến châu lục này. Nhưng ông cho rằng ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton có thể chú ý đến châu Phi hơn cả chính quyền hiện nay, nếu tính đến việc bà từng là ngoại trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia nói bà Clinton có thể đòi hỏi nhiều hơn đối với các nhà lãnh đạo châu Phi, yêu cầu họ làm tốt cho người dân của họ.