Đường dẫn truy cập

Chuyên gia quốc tế: ‘Nhiều khả năng’ là Nga đứng sau vụ vỡ đập Ukraine


Đập Kakhovka ở Kozatske, ngày 7/6/2023.
Đập Kakhovka ở Kozatske, ngày 7/6/2023.

“Rất nhiều khả năng” là vụ vỡ đập Kakhovka ở miền nam Ukraine do người Nga cài chất nổ gây ra, một nhóm chuyên gia pháp lý hỗ trợ các công tố viên Ukraine trong cuộc điều tra của họ cho biết trong kết quả sơ bộ được công bố hôm thứ Sáu (16/6), theo Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine phá hủy đập Kakhovka như một chiến thuật được phương Tây hậu thuẫn để leo thang xung đột.

Ukraine đang điều tra vụ nổ như một tội ác chiến tranh và có thể là tội phá hoại môi trường, hay còn gọi là “tiêu diệt sinh thái”.

Đập thủy điện Kakhovka rộng lớn có từ thời Liên Xô, nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2/2022, đã bị vỡ vào rạng sáng ngày 6/6, làm nước lũ tràn qua một vùng chiến sự ở miền nam Ukraine, phá hủy đất nông nghiệp và cắt nguồn cung cấp nước cho một vùng dân cư rộng lớn.

Các chuyên gia của công ty luật nhân quyền quốc tế Global Rights Compliance, đang thực hiện các nỗ lực do phương Tây hậu thuẫn nhằm hỗ trợ việc quy trách nhiệm giải trình về các hành động tàn bạo ở Ukraine, vừa đến thăm khu vực Kherson từ ngày 10-11/6 cùng với tổng công tố Ukraine và một nhóm từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

“Bằng chứng và phân tích thông tin hiện có - bao gồm các cảm biến địa chấn và các cuộc thảo luận với các chuyên gia hàng đầu về phá dỡ bằng thuốc nổ - chỉ ra rằng có nhiều khả năng cao là hành động phá hủy xảy ra bằng chất nổ gài từ trước ở các điểm quan trọng trong cấu trúc của đập”, một bản tóm tắt về những phát hiện sơ bộ từ nhóm của công ty luật mà Reuters xem được cho biết.

Luật sư kỳ cựu Yousuf Syed Khan thuộc công ty Global Rights Compliance, người đã tham gia vào phái bộ thực địa tới Kherson, cho hay kết quả điều tra xác định rằng việc phía Nga gây bằng nổ chất nổ cài sẵn “có xác suất từ 80% trở lên”.

Phát hiện này “không chỉ dựa trên các cảm biến địa chấn và một trong những nhà cung cấp thông tin tình báo nguồn mở hàng đầu, mà còn dựa trên các kiểu tấn công và các cuộc tấn công khác mà chúng tôi đã ghi lại”, ông Khan nói trong một cuộc phỏng vấn. Điều đó bao gồm các cuộc tấn công trước đây vào cơ sở hạ tầng cấp nước quan trọng, bao gồm các cơ sở lắp đặt và đường ống, ông nói.

Nhóm chuyên gia bác bỏ giả thuyết cho rằng một vụ vỡ đập thảm khốc có thể chỉ do quản lý yếu kém gây ra.

Việc phá hủy con đập và tác động đến hồ chứa Kakhovka và khu vực xung quanh đã tạo ra những điều kiện mà các nhà điều tra cho rằng có thể cấu thành tội ác gây ra nạn đói bằng cách nhắm mục tiêu vào “một đối tượng không thể thiếu đối với sự sống còn của dân thường”, ông Khan nói.

Cố ý tấn công một con đập có thể cấu thành tội ác chiến tranh theo luật nhân đạo quốc tế vì chúng được cho là có tính chất dân sự, trừ khi có mục tiêu quân sự hợp lệ, luật sư người Anh Catriona Murdoch, người đứng đầu cuộc điều tra của nhóm tư pháp lưu động, nói trong một tuyên bố.

ICC, tòa án thường trực về tội ác chiến tranh của thế giới, cũng đang điều tra các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG