Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: ‘Sẽ là thảm họa nếu Việt Nam vận dụng Tư tưởng Tập Cận Bình’


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 25/10/2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 25/10/2017.

Ngay sau khi Trung Quốc đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng, Việt Nam đã cử đặc phái viên sang Bắc Kinh tìm hiểu “tinh thần” của tư tưởng này. Các nhà phân tích nói rằng nếu Việt Nam du nhập Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ gây ra một ‘thảm họa’ cho đất nước.

Hôm 30/10 ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Việt Nam, cũng là đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tìm hiểu về tân tư tưởng của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, tại Bắc Kinh, ông Quân nói rằng Việt Nam muốn tìm hiểu sâu hơn về tinh thần của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, và “Tư tưởng Tập Cận Bình về vấn đề Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.”

Từ thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với VOA rằng sẽ là một thảm họa nếu Việt Nam vận dụng Tư tưởng Tập Cận Bình:

“Tư tưởng Tập Cận Bình trở thành điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc là một tai họa lớn nữa đối với Việt Nam. Tư tưởng Tập Cận Bình – thực chất là một tư tưởng độc tài toàn trị, phản dân chủ, dùng Đảng trị nước, giẫm đạp lên trên hiến pháp và pháp luật, và không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của nhân dân – nếu vận dụng đưa vào trong đất nước Việt Nam thì đấy là một thảm họa.”

Giáo sư Tương Lai, một đảng viên kỳ cựu, từng nắm nhiều chức vụ quan trọng hàng đầu về lãnh vực tư tưởng Marxist-Lêninnist, phân tích thêm về Tư tưởng Tập Cận Bình:

“Tư tưởng này vẫn xoay quanh vấn đề độc đảng, các tổ chức xã hội dân sự đều nằm trong vòng tay kiểm soát của đảng. Đảng thì lãnh đạo tuyệt đối về quân đội và chính quyền, tập trung một cách gây gắt và quy lại hạt nhân lãnh đạo là ông Tập Cận Bình.”

Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua điều lệ đảng sửa đổi, trong đó nâng Tư tưởng Tập Cận Bình ngang hàng với cựu lãnh tụ Mao Trạch Đông, người khai sinh ra nhà nước “Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.”

Theo Tân Hoa Xã, nghị quyết đại hội 19 đã đưa tư tưởng quân sự của Tập Cận Bình và quyền lãnh đạo “tuyệt đối” của đảng đối với lực lượng vũ trang vào điều lệ đảng. Nghị quyết nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối với quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân khác, cũng như thực hiện tư tưởng quân sự của Tổng Bí thư Tập Cận Bình về tăng cường sức mạnh quân đội.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp ông Hoàng Bình Quân
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp ông Hoàng Bình Quân

Từ bang California, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, một nhà phân tích tình hình chính trị Trung Quốc nhận định:

“Tên của Tập Cận Bình được đưa vào Điều lệ Đảng tức là những đối thủ của ông không thể thách thức ông được. Rõ ràng là ông dùng ‘Thời đại mới’ và ‘mang đặc tính Trung Quốc’ để nâng ông lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, như vậy là tôn sùng và thần thánh hóa lãnh tụ để củng cố độc tài cá nhân – chuyển từ độc tài cộng sản sang độc tài cá nhân trong một chế độ vẫn không từ bỏ xã hội chủ nghiã – như vậy là mang tính phát-xít.”

Tư tưởng Tập Cận Bình là học thuyết chính trị mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình đúc kết sau 5 năm cầm quyền. Trong đó tập trung vào việc thực hiện “Bốn toàn diện” (Tứ Toàn) để đạt mục đích tối hậu là sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa (Trung Quốc Mộng) bằng con đường đi đến hai mục tiêu trăm năm (Bách niên Mục tiêu) và xây dựng quân đội hùng mạnh trong khi không dung thứ hành động ly khai.

Trong ‘Trung Quốc Mộng,’ ông Tập đặt ra hai mục tiêu là xây dựng một xã hội khá giả vừa phải vào năm 2020, và đưa Trung Quốc trở thành “siêu cường xã hội chủ nghĩa” vào năm 2049, tức đúng dịp tròn 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, thông qua nguyên tắc “Bốn Toàn diện”: xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách kinh tế-xã hội sâu sắc toàn diện, xây dựng một nền pháp trị toàn diện và quản lý Đảng bằng kỷ luật một cách toàn diện.

Giáo sư Tương Lai phân tích mức độ nguy hiểm của sự bành trướng Trung Hoa theo tư Tưởng Tập Cận Bình, khi so sánh với tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Trung Hoa thời Đại Hán:

“Ông ta trở thành hoàng đế mới của Trung Quốc và với chức danh đó, ông muốn ứng xử với thế giới khi ông muốn Trung Quốc thống trị thế giới trở lại như mong muốn của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán xưa kia. Nhưng nếu thực hiện bằng con đường của Tập Cận Bình dùng Đảng trị nước để phục hưng nước Trung Hoa vĩ đại thì sẽ rất gay go, bởi vì nó quy vào vai trò của một cá nhân quyết định như thời Mao, càng làm nguy hiểm cho thế giới và nguy hiểm cho những nước láng giềng châu Á, nằm trong tư tưởng của Tập Cận Bình, vẫn là tư tưởng bành trướng Đại Hán được hiện đại hóa.”

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox hôm 25/10 ngay sau khi ông Tập tái đắc cử Chủ tịch nhiệm kỳ 2, Tổng Thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông Tập là “một người quyền lực, đến nay một vài người có thể xưng ông ấy là vua của Trung Quốc, dù họ chỉ gọi ông là Chủ tịch.” (“He’s a powerful man. Now some people might call him the king of China. But he’s called president.”)

Trong gần 100 năm lịch sử, Cộng Sản Trung Quốc chỉ ghi tên hai lãnh tụ với vai trò lý thuyết gia là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, với Tư tưởng Mao Trạch Đông được coi là chủ đạo từ năm 1945, trong khi Lý luận Đặng Tiểu Bình được vận dụng khí Trung Quốc bắt đầu đổi mới kinh tế từ năm 1997.

Trước “kỷ nguyên mới của Chủ Nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc” mở ra trong bối cảnh lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đang “bế tắc” trong việc định hướng Xã hội Chủ Nghĩa, chia rẻ, đấu đá nội bộ, và lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc, giáo sư Tương Lai chia sẻ mối lo ngại:

Ông Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Ông Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tập đoàn lãnh đạo Việt Nam tính từ đại hội đảng thứ 10 cho đến nay đã nằm gọn trong vòng tay của Bắc Kinh, đó là một thảm họa lớn nhất của đất nước này, khiến cho Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, Đảng CSVN không còn là một khối đoàn kết, mà chia rẻ, hình thành nhiều nhóm lợi ích, đấu đá tranh giành quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì đến quyền lợi đất nước.”

Vì quan hệ Việt Nam và Trung Quốc bị ràng buộc bởi 16 chữ vàng Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan, tiến sĩ Lê Minh Nguyên nhận định rằng Tư Tưởng Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam theo trong khuôn khổ của Thập lục tự phương châm:

“Theo phương châm 16 chữ vàng thì tôi nghĩ Đảng CSVN cũng muốn bắt chước Trung Quốc, nhưng cái khó của Việt Nam là tư tưởng rất nghèo nàn. Ngay cả ông Hồ Chí Minh cũng nói rằng là những gì ta muốn nói thì Mao Chủ tịch đã nói hết rồi. Điều đó có nghĩa là tư tưởng của ông Hồ là tư tưởng của ông Mao. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư hiện nay có ra một quyển sách trên một ngàn trang, cũng chỉ góp nhặt những bài viết, những lý luận cùn mằn của Chủ nghĩa Marxist, chứ không nêu ra được viễn cảnh tương lai cho Việt Nam như thế nào. Chính ông Trọng mà còn nói đến hết thế kỷ không biết có tìm ra CNXH hay không. Như vậy là cả ông Trọng, ông Hồ đều không có tư tưởng. Vì vậy, tư tưởng của Đảng CSVN có lẽ sẽ bị Tư tưởng Tập Cận Bình ảnh hưởng theo chiều hướng của 16 chữ vàng.”

Ngoài ra, tiến sĩ Nguyên còn nhận định rằng Việt Nam sẽ có khó nhà lãnh đạo đương nhiệm nào có tư tưởng được đưa vào điều lệ Đảng do truyền thống lãnh đạo tập thể lâu nay và nếu có xuất hiện cá nhân lãnh đạo nào nổi trội thì ngay tức khắc sẽ bị ‘loại trừ.’

Các chuyên ra nhận định rằng Việt Nam nên đa dạng hóa các mối quan hệ, không nên “ngã vào lòng Trung Quốc, và phải từ bỏ thế “du dây” để không bị lao vào vòng xoáy bành trướng của Trung Quốc, một tư tưởng vừa được hơn 86 triệu đảng viên đúc kết và cụ thể hóa qua Tư tưởng Tập Cận Bình.

‘Sẽ là thảm họa nếu Việt Nam vận dụng Tư tưởng Tập Cận Bình’
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:25 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG