Đường dẫn truy cập

Chuyện ‘nhỏ xíu như móng tay’


Ông Tấn kể về vụ án (ảnh chụp từ Vietnamnet.net)
Ông Tấn kể về vụ án (ảnh chụp từ Vietnamnet.net)

Trong hơn một tuần vừa qua, một trong những sự kiện gây xôn xao trong dư luận Việt Nam nhất là “vụ án hình sự” liên quan đến quán cà phê Xin Chào tại Sài Gòn.

Câu chuyện tương đối đơn giản: Ông Nguyễn Văn Tấn khai trương quán cà phê tại Bình Chánh vào ngày 8 tháng 8, 2015 chuyên bán nước giải khát và thức ăn sáng. Trước đó, ông đã nộp đơn đăng ký kinh doanh và được hứa sẽ được cấp giấy phép vào ngày 18 tháng 8. Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 8, tức hai ngày trước khi có giấy phép, cán bộ Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra và phạt ông 17 triệu đồng với các tội: kinh doanh không có giấy phép, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Ông Tấn đóng tiền phạt và ngừng việc bán thức ăn, chỉ còn bán cà phê và nước giải khát. Sau đó, ngày 19 tháng 8, ông nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ba ngày sau, ông và các nhân viên trong quán được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Nhưng chưa hết. Ngày 10 tháng 9, công an tiếp tục đến kiểm tra quán và buộc ông Tấn các tội: sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm và kinh doanh không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nửa tháng sau, công an huyện ra quyết định khởi tố ông Tấn về hành vi kinh doanh trái phép với các tội trạng: gây “nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội…”.

Khi vụ án sắp được mang ra xét xử vào ngày 19 tháng 4, 2016, một số nhà báo mang vấn đề ra trước công luận, từ đó, khiến mọi người chú ý. Vấn đề được bàn cãi sôi nổi trên các diễn đàn mạng. Câu chuyện lọt vào tai Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng. Ông Thăng yêu cầu Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố kiểm tra vụ việc. Một ngày sau, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại ra lệnh Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra việc xử lý hình sự ông Nguyễn Văn Tấn. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc Hội cũng nhập cuộc: Bà yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh rút hồ sơ truy tố ông Nguyễn Văn Tấn. Sau khi kiểm tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đi đến kết luận là việc truy tố ông Nguyễn Văn Tấn không có căn cứ. Việc làm của ông không cấu thành tội phạm theo khoản 2, điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Cuối cùng, người ta đồng ý với nhau là rút đơn truy tố ông Nguyễn Văn Tấn. Quán cà phê của ông được tiếp tục hoạt động. Hơn nữa, người ta còn ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đại tá Nguyễn Văn Quý, trưởng công an huyện Bình Chánh và một số cán bộ liên hệ về tội lạm quyền.

Ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất, tại sao công an huyện Bình Chánh lại khăng khăng khép tội ông Nguyễn Văn Tấn một cách oan ức vậy? Và thứ hai, tại sao giới lãnh đạo Việt Nam, từ Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh đến Thủ tướng lại hăng hái can thiệp vào một chuyện, nói theo lời phó giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh, “nhỏ xíu như móng tay” như vậy?

Với câu hỏi thứ nhất, đại tá Nguyễn Văn Quý cho là vì quán cà phê Xin Chào nằm đối diện trụ sở công an Bình Chánh, ông sợ đó sẽ là nơi tụ tập của các “cò”, những người chạy chọt giấy tờ cho dân chúng một cách bất hợp pháp. Nhưng theo ông Tấn, lý do chính là vì công an sợ quán của ông sẽ cướp hết khách của căn tin trong đồn công an. Thậm chí, khi quán Xin Chào còn hoạt động, công an Bình Chánh đóng cổng chính (đối diện với quán Xin Chào) buộc mọi người đến làm giấy tờ phải đi cổng sau, ngang qua căn tin của công an. Nói một cách vắn tắt, sở dĩ công an quyết đánh sập quán cà phê Xin Chào là vì một lý do giản dị: cạnh tranh về kinh tế.

Với câu hỏi thứ hai, có thể có hai lý do chính:

Một, cả Đinh La Thăng lẫn Nguyễn Xuân Phúc đều mới nhậm chức, họ muốn chứng tỏ họ quan tâm đến dân, nhanh chóng giải quyết những vấn đề khiến dân chúng bức xúc.

Hai, cả hai đều không muốn tạo nên những tiền lệ và những ấn tượng xấu đối với lãnh vực kinh doanh của dân chúng. Nói theo lời ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nếu ông Nguyễn Văn Tấn bị truy tố và bị lãnh án phạt thì “dư luận có thể hiểu là mọi việc kinh doanh đều có thể đi tù". Ông nhấn mạnh thêm: “Đừng để doanh nghiệp cảm thấy có thể rơi vào tình trạng như ông bán cà phê”. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng đồng ý với ông Lê Mạnh Hà. Ông cho chỉ đạo tránh hình sự hoá vụ quán cà phê mà giới lãnh đạo đưa ra là một việc nhỏ nhưng phát đi một thông điệp lớn: “Không hình sự hóa việc đó tức là đảm bảo sự an toàn của môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp và người dân sẽ được bảo vệ”.

Cả hai lý do nêu trên đều chính đáng và không có gì đáng bị phê phán cả. Tuy nhiên, ở đây lại nảy sinh ra hai vấn đề:

Thứ nhất, tại sao giới lãnh đạo Việt Nam lại không nhanh chóng can thiệp vào các vụ việc nghiêm trọng khác vốn đầy dẫy trong xã hội? Ví dụ các vụ giải toả đất đai từng dẫn đến hàng ngàn cuộc biểu tình gây nhức nhối dư luận từ trước đến nay? Hay, mới đây nhất, vụ cá biển chết hàng loạt, tấp đầy bờ từ Hà Tĩnh đến tận Huế, kéo dài đến hơn 200 cây số, khiến dân chúng hoang mang lo lắng, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của các ngư dân và vấn đề sức khoẻ của dân chúng cũng như sự an toàn trong môi trường, đến nay, giới lãnh đạo vẫn phản ứng một cách hết sức chậm chạp. Tại sao?

Thứ hai, thật ra, nhiệm vụ của những người lãnh đạo cao cấp trong quốc gia cũng như trong thành phố không phải là để can thiệp vào từng sự việc như thế. Họ làm sao có đủ thì giờ để can thiệp vào mọi chuyện? Vấn đề chính của các nhà lãnh đạo là tạo ra những cơ chế tốt đẹp và hiệu quả để tự nó vận hành mà không gây oan khuất cho ai cả. Ví dụ, qua vụ khởi tố quán cà phê Xin Chào, chúng ta thấy được hai điều: Một, thủ tục đăng ký kinh doanh rất nhiêu khê, rắc rối và phiền phức; và hai, công an cũng như chính quyền địa phương nói chung thường lạm quyền, gây khó khăn cho dân chúng. Để tránh hai điều ấy, bộ máy hành chính cần phải giản dị và minh bạch để vừa tiện lợi cho việc kinh doanh vừa tránh những sự oan ức.

Đó mới là những nhiệm vụ chính của các nhà lãnh đạo.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG