Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm miền đông nước Nga vào tháng 9 năm ngoái, phần lớn nhiệm vụ của ông dường như đã rõ ràng: quan sát càng nhiều vũ khí Nga càng tốt.
Trong chuyến thăm kéo dài nhiều ngày được công bố rộng rãi, ông Kim đã lên buồng lái của một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga, kiểm tra máy bay ném bom chiến lược có khả năng hạt nhân và đi thị sát một tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã đích thân đưa ông Kim đi tham quan Sân bay vũ trụ Vostochny, bãi phóng phi đạn không gian hiện đại nhất của đất nước, nơi ông thừa nhận rằng Nga sẽ giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh.
Mặc dù các hoạt động này nhấn mạnh mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng giữa Moscow và Bình Nhưỡng, nhưng không có thỏa thuận chính thức nào được công bố trong các cuộc gặp, khiến một số nhà quan sát ngạc nhiên.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, khi ông Putin tới thăm Triều Tiên lần đầu tiên sau 24 năm, có thể sẽ có nhiều điều hơn chỉ là những cái bắt tay. Họ cho rằng hai bên có thể đang nỗ lực củng cố hợp tác quân sự đang phát triển.
Ông Alexey Muraviev, người tập trung vào nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc gia tại Đại học Curtin của Úc, nói: “Tôi mong đợi một số kết quả chính thức từ chuyến thăm hơn là một cuộc trao đổi vui chơi”.
Chính quyền Nga đã xác nhận chuyến thăm dự kiến của ông Putin nhưng chưa cung cấp bất kỳ ngày nào. Ngày 12/6, chính quyền Hàn Quốc cho biết chuyến thăm có thể sẽ diễn ra trong “vài ngày tới”.
Ngày 14/6, các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và Hàn Quốc đã điện đàm khẩn cấp về chuyến thăm sắp tới của ông Putin. Theo Seoul, cả hai bên đều cảnh báo rằng chuyến đi của ông Putin sẽ không dẫn đến bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, vốn cấm một loạt tương tác kinh tế và quân sự với Bình Nhưỡng.
Thăng trầm
Nga trong nhiều thập niên là một trong những nước ủng hộ kinh tế và quân sự quan trọng nhất của Triều Tiên, cùng với Trung Quốc. Nhưng mối quan hệ đôi khi gặp nhiều khó khăn.
Gần đây nhất là vào năm 2017, Nga – thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc – đã ủng hộ các chế tài quốc tế nhằm đáp trả những tiến triển về vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Kể từ đó, ông Putin và ông Kim đã tìm ra những lý do để hợp tác với nhau, khi mỗi người tiến hành chiến dịch riêng chống lại ảnh hưởng của phương Tây.
Sau khi rời khỏi các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ vào năm 2019, ông Kim đã mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình mà theo ông là nhằm mục đích răn đe Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.
Trong khi đó, ông Putin đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022 và kể từ đó đã chiến đấu với các lực lượng được phương Tây hậu thuẫn ở đó.
Ngay sau cuộc xâm lược của Nga, ông Kim đã trở thành một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với cuộc chiến của ông Putin.
Các nhà quan sát độc lập đã tìm thấy vũ khí của Triều Tiên, bao gồm cả phi đạn, trên chiến trường Ukraine, xác nhận khẳng định của chính phủ Mỹ rằng Triều Tiên đang cung cấp đạn dược cho Nga.
Sự phát triển này phù hợp với sự táo bạo ngày càng tăng của Nga trong việc tiến hành các hoạt động có thể vi phạm rõ ràng các chế tài của Liên hiệp quốc, điều mà Moscow cho biết họ phản đối.
Chuyến thăm của ông Putin
Ông Putin có thể sẽ tiến tới thận trọng ở Bình Nhưỡng. Theo ông Muraviev, ông Putin có thể sẽ không phủi bỏ hoàn toàn hoặc công khai các chế tài của Liên hiệp quốc, vì Moscow muốn thể hiện mình là một bên liên quan có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, ông Muraviev cho biết Nga có thể “bất đồng mạnh mẽ đối với phương Tây” bằng cách tiếp tục giảm dần các chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên.
“Nga hiện đang phải chịu nhiều chế tài hơn cả Triều Tiên, vì vậy nếu Nga vi phạm chế tài quốc tế, Nga có thể phải chịu điều gì hơn những gì đã xảy ra do các hành động gây hấn của họ ở Ukraine?” ông hỏi.
Ông Putin cũng có thể tận dụng chuyến đi tới Triều Tiên để nhấn mạnh sự hỗ trợ hơn nữa cho chương trình vệ tinh của Triều Tiên.
Kể từ chuyến thăm Nga của ông Kim, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ phóng vệ tinh. Mặc dù lần phóng gần đây nhất không thành công, các nhà phân tích quốc phòng cho rằng việc Triều Tiên sử dụng loại phi đạn đẩy mới cho thấy sự hỗ trợ của Nga.
Ông Artyom Lukin, giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, cho biết mặc dù các chế tài của Liên hiệp quốc vẫn là những hạn chế đáng kể đối với hợp tác Nga-Triều, nhưng cả hai bên có thể tìm ra những cách hợp tác kinh tế, chẳng hạn như đưa lao động Triều Tiên đến Nga.
“Nga chưa bao giờ nói rằng họ sẽ ngừng tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên. Nhưng bạn biết đấy, có nhiều cách để giải quyết những vấn đề như thế này – hãy nhìn vào Trung Quốc,” ông Lukin nói với VOA. “Tôi nghĩ Nga có thể đi theo mô hình tương tự ở một khía cạnh nào đó.”
Ông Lukin từ chối suy đoán chính xác bằng cách nào Nga có thể hỗ trợ các chương trình vũ khí của Triều Tiên, nhưng ông thừa nhận rằng Nga “dường như là cường quốc duy nhất có thể cung cấp một số thứ có thể khiến Triều Tiên cảm thấy an toàn”.
Ông Lukin nói không thể biết liệu hợp tác Nga-Triều mở rộng có tồn tại lâu hơn cuộc chiến Ukraine hay không, nhưng ông ám chỉ rằng lợi ích lâu dài đang được quan tâm.
Ông Lukin nói: “Tôi nghĩ thật công bằng khi gọi mối quan hệ giữa Nga và [Triều Tiên] là một sự liên kết trên thực tế”. “Chúng tôi vẫn chưa biết liệu sự liên kết này có chuyển sang một liên minh thực sự hay không, nhưng tôi sẽ không loại trừ khả năng đó”.
Diễn đàn