Đường dẫn truy cập

Chuyến thăm của ông Zelenskyy tới Mỹ nhấn mạnh niềm tin sau những xích mích


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden họp báo tại Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 21/12/2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden họp báo tại Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 21/12/2022

Cuộc gặp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington ngày 21/12 đánh dấu một điểm cao trong mối quan hệ giữa Ukraine và đồng minh quan trọng nhất của họ, làm nổi bật mối quan hệ được củng cố bởi cuộc xâm lược của Nga, nhưng không phải không có một số xích mích trên đường đi.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Zelenskyy kể từ khi chiến tranh bắt đầu cũng nhấn mạnh sự tin tưởng giữa hai nước, với một cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc, một chuyến thăm Quốc hội và tập trung vào việc thêm vũ khí cho Kyiv.

Bất chấp sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự mạnh mẽ mà Hoa Kỳ đã dành cho Ukraine kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine ngày 24/2 năm nay, quan hệ Mỹ-Ukraine cũng có lúc “cơm không lành canh không ngọt.”

“Xích mích là không thể tránh khỏi, kể cả giữa các đồng minh thân thiết trong thời chiến,” Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Liên hiệp quốc Richard Gowan nhận định.

“Mỹ và Anh đã có những bất đồng lớn về cách chống lại Thế chiến Thứ hai. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng chúng ta nhất thiết phải để xích mích hàng ngày che khuất mức độ giúp đỡ mà Mỹ đã dành cho Ukraine,” ông Gowan nói.

Căng thẳng giữa lãnh đạo Mỹ và Ukraine đã bộc lộ ở một số thời điểm quan trọng trong năm qua.

Gần đây nhất, ông Biden đã bác bỏ bình luận của ông Zelenskyy rằng các phi đạn rơi xuống Ba Lan vào tháng trước không có nguồn gốc từ Ukraine.

Và khi Hoa Kỳ cảnh báo vào tháng 1 năm nay rằng Moscow đang tập trung hàng chục nghìn quân để xâm lược, ông Zelenskyy đã cáo buộc Washington và các phương tiện truyền thông gây ra sự hoảng loạn đè nặng lên nền kinh tế trong khi “không có xe tăng trên đường phố”.

Một tháng sau, Nga xâm chiếm Ukraine.

Kể từ đó, các cường quốc phương Tây đã tăng cường cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine, tiếp nhận hàng triệu người tị nạn và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Nhưng ông Zelenskyy tiếp tục thúc đẩy nhiều hơn nữa, trong đó có yêu cầu một vùng cấm bay mà NATO từ chối đáp ứng vào tháng 3.

“Có một hội nghị thượng đỉnh NATO, một hội nghị thượng đỉnh yếu kém, một hội nghị thượng đỉnh bối rối, một hội nghị thượng đỉnh mà rõ ràng là không phải ai cũng coi cuộc chiến giành tự do của châu Âu là mục tiêu số một”, ông Zelenskyy tuyên bố lúc đó.

Sau đó vào tháng 6, ông Zelenskyy ca ngợi hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Madrid, mở đường cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh, nhưng yêu cầu hỗ trợ quân sự nhiều hơn và lập trường cứng rắn hơn đối với Nga. “Chúng tôi cần đảm bảo an ninh, và bạn phải tìm một vị trí cho Ukraine trong không gian an ninh chung.”

Tư cách thành viên NATO của Ukraine đã là một câu hỏi kéo dài và gây tranh cãi. Ông Zelenskyy đã thúc ép liên minh quân sự NATO kết nạp đất nước của mình vào khối. Ukraine có một lời hứa từ NATO từ năm 2008, khi ông Biden là phó tổng thống dưới thời Barack Obama, rằng cuối cùng họ sẽ có cơ hội gia nhập.

Tuy nhiên, liên minh vẫn chưa có động thái nào về đơn của Ukraine. Vào tháng 11, NATO tái khẳng định quyết định năm 2008, nhưng một lần nữa không cung cấp các bước hoặc thời gian biểu cụ thể.

Vui lòng cấp thêm vũ khí

Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine 19,3 tỷ đô la viện trợ quân sự trong chiến tranh. Vào ngày 21/12, ông Biden công bố thêm một khoản viện trợ quân sự nữa trị giá gần 2 tỷ đô la, bao gồm cả Patriot - một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Hoa Kỳ và là hệ thống thường bị thiếu hụt do các đồng minh trên khắp thế giới đang tranh giành.

Ông Zelenskyy muốn được cấp thêm vũ khí, nhưng cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì Ukraine đã nhận được từ Washington.

Cố vấn chính trị của ông, Mykhailo Podolyak, cho biết chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Zelenskyy đã tạo cơ hội để giải thích tình hình thực tế ở Ukraine, những loại vũ khí mà Kyivv cần để chống lại Nga - cụ thể là xe bọc thép, hệ thống phòng thủ phi đạn mới nhất và phi đạn tầm xa - và tại sao họ cần nó.

Ngoài ra, chuyến thăm nhấn mạnh niềm tin mà cả hai ông Biden và Zelenskyy đều nắm giữ - rằng Hoa Kỳ vẫn là nhà lãnh đạo của thế giới tự do, ông Daniel Fried, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan và là thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói.

“Ông ấy không đến Berlin, Brussels, London hay Paris,” ông Fried nói. “Tất nhiên ông ấy đang thúc đẩy nhiều viện trợ hơn, tất nhiên ông ấy đang thúc đẩy nhiều vũ khí hơn và tất nhiên đôi khi ông ấy khiến chính quyền Biden khó chịu bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ.”

Nhưng ông Zelenskyy biết rằng “Nước Mỹ tạo ra sự khác biệt,” ông Fried nhấn mạnh.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG