Nội dung chúng tôi muốn đề cập đến là như sau: Một bài hát hay, như bấy nay chúng ta đã cùng nhau xem xét, cần hội đủ hai yếu tố: Lời hát hay, có ý có nghĩa; và tất cả được lồng trong một giai điệu sao cho thật đẹp đẽ. Nói đến ca hát thì ta vẫn thường dùng hai chữ “ca hát”, nhưng cũng thường dùng hai chữ “ca nhạc”! Mà ca hát thì thuộc lãnh vực âm nhạc, bởi thế mà thường ra thì người ta hỏi nhau: “Anh hay chị có thích ‘ca nhạc’ hay không ?” chứ còn nếu hỏi nhau xem có thích “ca hát” hay không thì lại dễ mang một ý nghĩa khác là muốn hỏi người ta xem có thích tự mình ca hát hay không.
Đã rất nhiều lần trong chương trình phát thanh này chúng tôi đã nhấn mạnh vào sự thể là ý niệm về cái hay nơi một bài hát là chuyện hết sức tương đối, tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan nơi từng con người, tùy trình độ thẩm âm, trình độ cảm nhận riêng của từng người về mặt văn học nghệ thuật, v.v. và v.v. Còn như đối với hai cái vế nơi một ca khúc là lời ca và giai điệu của phần nhạc thì có người thích để ý đến lời hát, có người lại đặc biệt yêu thích giai điệu nơi bài hát, tuy dường như đa số người nghe là chú ý đến lời hát nhiều hơn!
Trong khi đó thì ở những CD băng nhạc chỉ có nhạc hòa tấu không thôi, thì vì không còn lời hát nữa cho nên người ta chỉ chọn để hòa tấu những bài hát nào có giai điệu thuộc loại ít ra “còn nghe được”!
Thời xưa, ở các Đài phát thanh, khi một ca sĩ hát xong một lượt của bài hát thì ban nhạc thường dạo một đoạn nhạc thuộc giai điệu của bài hát. Cách làm đó giúp người nghe có thêm điều kiện để nhớ giai điệu của bài hát. Thế nhưng đã từ lâu, các phần hòa âm cho bài hát, với phương tiện âm thanh cùng nhạc cụ điện tử tạo nên âm hưởng sắc xảo hơn xưa rất nhiều thì ngược lại những người soạn hòa âm thường có khuynh hướng giới thiệu những đoạn nhạc mào đầu chả có ăn nhập gì với nét giai điệu chung nơi bài hát, rồi đến khi ca sĩ hát xong một lượt thì phần nhạc đệm lại chơi “solo” một đoạn nhạc cũng chẳng có ăn nhập gì đến giai điệu chính của bài hát. Mà phải chi là hay cho cam! Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp những đoạn nhạc tuy không thuộc giai điệu của bài hát nhưng nghe rất có hồn, rất đặc sắc; thế nhưng đấy là những biệt lệ! Bởi vậy mà gặp những trường hợp rất phổ biến như thế thì riêng chúng tôi chỉ ao ước làm sao đuợc nghe phần hòa tấu không thôi cho những bài hát như thế!
Theo chỗ như chúng tôi thiển nghĩ thì hình thức nhạc hòa tấu cho các bài hát càng được phổ biến sâu rộng bao nhiêu bên cạnh dạng ca hát thì trình độ thẩm âm của người nghe càng đuợc nâng cao bấy nhiêu. Ở Âu Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới thì nhạc hòa tấu không thôi cho những ca khúc phổ thông là chuyện rất bình thường và phổ biến!
Đến đây thì xin mời quý vị ta nghe một đoạn ngắn bài “Chuyển bến” của Đòan Chuẩn và Từ Linh qua giọng ca Ánh Tuyết! Xin quý vị đặc biệt lưu ý đến phần nhạc vào đầu và giai điệu chính của bài hát!
( Trích “Chuyển bến”, Ánh Tuyết hát )
Vừa rồi là trích đọan bài “Chuyển bến” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh qua giọng ca Ánh Tuyết. Bây giờ xin mời quý vị ta cùng nhau nghe một ban nhạc hòa tấu bài này, với tiếng kèn “Saxophone” của Lê Tấn Quốc, có phần tham dự của tiếng đàn Hạ Uy Di, vốn là ngón đàn sở trường khi xưa của ông Đàn Chuẩn.
( Trích “Chuyển bến”, nhạc hòa tấu )
Vừa rồi là bài “Chuyển bến” qua tiếng kèn “Saxophone” của Lê tấn Quốc và ban nhạc. Không có lời ca nữa thì những ai nhớ đuợc bao nhiêu lời hát cũng là điều hay, thế nhưng cho dù không nhớ mà để cho hồn mình đuợc thả lỏng theo nét nhạc thì chúng tôi thiết nghĩ lại càng hay nữa! Tha hồ mà để cho các chuỗi liên tưởng cứ thế dắt dìu nhau đến vô tận …
Tiếp theo đây là một bài hát khác, bài “Tà áo cưới” của Hoàng Thi Thơ mà sau một lượt ca của Vũ Khanh, ban nhạc ít ra còn có ý thức về cái đẹp nơi giai điệu để đàn đúng phần nhạc của bài hát!
( Trích “Tà áo cưới” )
Vừa rồi là bài “Tà áo cưới” của Hoàng Thi Thơ qua giọng ca Vũ Khanh. Đến đây thì xin mời quý vị ta cùng nhau nghe một đọan ngắn bài “Xóm đêm” của Phạm Đình Chương qua giọng ca Hồng Ngọc.
( Trích “Xón đêm”, Hồng Ngọc hát )
Và tiếp đây thì cũng bài “Xóm đêm” của Phạm Đình Chương qua tiếng kèn “Saxo”, một lần nữa của Lê Tấn Quốc, cùng với ban nhạc.
( Trích “Xóm đêm”, hòa tấu )
Qúy thính giả thân mến! Chúng ta đang cùng nhau nghe hòa tấu phần nhạc không thôi, bài “Xóm đêm” của Phạm Đình Chương qua tiếng kèn “Saxo” của Lê Tấn Quốc và ban nhạc. Người nghe một bài hát do ca sĩ hát thì có thể thích người này hơn người khác hoặc thắc mắc tại sao lời hát ở chỗ này hay chỗ kia không là thế này hay thế kia cho “hay” hơn, có ý nghĩa hơn. Thế nhưng nghe giai điệu của một bài hát có giai điệu đẹp đẽ thì có khi tránh được một số các sự tạm gọi là “gút mắt” đó, mà không những thế, có khi lại còn có cơ hội để “sáng tác” ra trong tâm trí những nội dung lời hát khác hợp với kỷ niệm riêng tư của mình chăng?
Và đến đây thì cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay. Xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau!