Bà Clinton thừa nhận rằng mặc dầu có những lợi ích của nó, Internet có thể là một phương tiện truyền đi những lời lẽ mang nội dung thù ghét hay trong trường hợp của WikiLeaks, là một phương tiện để công bố những hồ sơ mật của Hoa Kỳ bị đánh cắp.
Nhưng bà Clinton minh xác rằng Hoa Kỳ tự đặt mình “về phía cởi mở,” và nói rằng mặc dầu quyền tự do sử dụng Internet cũng như tất cả các quyền tự do khác - gây ra những căng thẳng, nhưng lợi ích của nó đáng để trả cái giá ấy.
Bài diễn văn về chính sách của bà Clinton tại Trường đại học George Washington, chỉ cách Bộ Ngoại Giao chừng vài khu phố, được đưa ra giữa lúc diễn ra một loạt các cuộc biểu tình tại Trung Đông, một phần thúc đẩy bởi những người hoạt động sử dụng các trang mạng truyền thông xã hội như Twitter và Facebook.
Các nước bị ảnh hưởng đã tìm nhiều cách khác nhau để bịt miệng những người bất đồng chánh kiến như đóng cửa các trang Web hay đình chỉ toàn bộ dịch vụ Internet, nhưng bà Clinton nói rằng những nước trấn áp các bloggers, các trang Web đối lập, và các cơ sở truyền thông, làm việc đó với rủi ro cho chính họ. Bà nói:
“Những chính phủ dựng lên các rào cản tự do Internet - dù là sử dụng những kỹ thuật sàng lọc hay những chế độ kiểm duyệt, hoặc tấn công những người hành sử quyền của họ để bày tỏ và hội họp trên mạng thì cuối cùng cũng sẽ bị thất bại. Các chính phủ đó sẽ phải đứng trước cảnh tiến thoái lưỡng nan của một nhà độc tài, và phải chọn lựa hoặc là để cho những bức tường đó sụp đổ, hoặc là phải trả giá đắt để giữ cho những bức tường đó đứng. Điều đó có nghĩa là cả hai trường hợp đều thua thiệt khi phải chọn đường lối đàn áp nhiều hơn và trả giá đắt hơn vì mất đi những cơ hội tiếp xúc với các ý kiến đã bị ngăn chặn cũng như những người bị thủ tiêu.
Bà Clinton nói rằng tự do tư tưởng và “sân chơi bình đẳng” do đường lối pháp trị đem lại là những gì thúc đẩy đổi mới, và khi các quốc gia ngăn chặn tự do Internet, thì họ cũng đã dựng lên những giới hạn cho tương lai kinh tế của họ.
Bà Clinton nói rằng chính phủ Obama sẽ chi tiêu 25 triệu đô la trong năm nay để yểm trợ cho các chuyên viên kỹ thuật và các nhà hoạt động tìm nhiều cách khác nhau để đối phó với những biện pháp ngăn chặn Internet của chính phủ ở một số quốc gia.
Những người chỉ trích nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đã lãng phí thời gian khi không đầu tư vào những kỹ thuật đã được chứng thực là phá vỡ được mưu toan, để những người sử dụng Internet tránh được sự kiểm soát của các chính phủ bằng cách chuyển qua các máy chủ tại các quốc gia khác.
Nhưng bà Clinton nói rằng không chỉ có 1 biện pháp mau chóng duy nhất để chống lại những hạn chế Internet. Bà nói:
“Chúng ta ủng hộ cho nhiều công cụ khác nhau, vì thế nếu các chính phủ có khuynh hướng đàn áp tìm ra cách để nhắm vào một mục tiêu, thì đã có những cách khác. Và chúng ta đầu tư vào các biện pháp vượt xa người khác bởi vì chúng ta biết rằng các chính phủ đàn áp thường cải tiến các phương pháp đàn áp của họ và chúng ta có ý định đi trước họ."
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ cũng nói rằng Bộ Ngoại Giao theo đuổi đường lối mở rộng các cuộc đàm thoại trực tuyến qua Internet với những người trên khắp thế giới.
Bà nói rằng trang mạng Twitter của Bộ Ngoại giao bằng tiếng Ả Rập và tiếng Farsi đã bắt đầu hoạt động hồi tuần trước và chẳng bao lâu nữa sẽ có cả tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Ấn Độ
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cảnh cáo các quốc gia ngăn chặn Internet rằng họ không thể kềm hãm mãi mãi những bất mãn của công chúng, và sẽ có nguy cơ mất đi những lợi ích của một nền kinh tế thế giới nối kết với nhau. Trong một bài diễn văn quan trọng về chính sách Internet tại thủ đô Washington, bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ “quyền tự do nối kết.”
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1