Bà Clinton là nhân vật thấy rõ nhất trong chính quyền của Tổng thống Obama trong việc lên án những vụ tiết lộ bất hợp pháp những tài liệu mật, gọi đó là một vụ ”tấn công” vào lợi ích trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, cùng các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Nhưng tại một cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan, ông Kanat Saudabayev vào lúc kết thúc một ngày các cuộc họp ngoại giao, trong đó vấn đề Wikileaks tiết lo các tài liệu mật của Hoa Kỳ đã được thảo luận rất nhiều.
Ngoại trưởng Clinton có vẻ hy vọng là thiệt hại thực sự cho các quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ sẽ ở mức tối thiểu mà thôi:
“Chắc chắn là tôi đã nêu vấn đề tài liệu bị rò rỉ ra ngoài, để bảo đảm với các đối tác của chúng ta là chuyện đó không gây bất cứ trở ngại gì cho chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, hay những cam kết của chúng ta tiếp tục những công việc hiện đang được tiến hành. Tôi chưa nghe thấy bất cứ một quan ngại nào bày tỏ rằng có bất cứ quốc gia nào sẽ không tiếp tục cộng tác và sẽ không thảo luận về những vấn đề quan trọng cho cả đôi bên đang tiếp diễn."
Bà Clinton nói rằng bà đến cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức An Ninh và Hợp Tác châu Âu, OSCE, với dự kiến sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra về vụ tiết lộ của WikiLeaks, và một trong những lý do bà tham gia cuộc họp này là để bảo đảm với các đối tác rằng chính quyền Obama cam kết với “một chính sách giao tiếp mạnh mẽ và rộng lớn.”
Những tài liệu bị tiết lộ, phần lớn là những báo cáo của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở các nước nhiệm sở gửi về Washington, nghe nói gồm những lời nhận định không hay về một số những nhà lãnh đạo thế giới, gồm cả Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, là người được nói là thích đi nghỉ ở vùng Vịnh hơn là ở lại thủ đô Astana gió bão trong những ngày mùa đông giá rét.
Ngoại trưởng Clinton đã mở cuộc họp song phương với Tổng thống Nazarbayev, và sau đó với Ngoại trưởng Saudabayev để gạt sang một bên những tranh cãi, coi đó là chuyện bình thường trong vấn đề ngoại giao. Bộ trưởng Ngoại giao Saudabayev nói:
“Tôi cho rằng đây là một cái giá bình thường mà đôi khi chúng ta phải trả khi điều động công việc của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể sống qua vụ này cũng như chúng ta cũng đã từng trải qua những chuyện khác. Trong tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao của nước tôi, giờ đây tôi tuyên bố rằng chuyện này chẳng có tác động gì đến sự hợp tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Kazakhstan.”
Bà Clinton cũng họp song phương với Thủ tướng ý Silvio Berlusconi, một người bị cho là là vô tích sự, không hiệu quả trong các báo cáo ngoại giao đánh về thủ đô Washington.
Trong những lời phát biểu khi bắt đầu phiên họp với nhà lãnh đạo nước Ý, bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ không có một người bạn nào có thể tốt hơn và ủng hộ kiên quyết cho các chính sách của Hoa Kỳ như ông Berlusconi trong suốt hơn mười năm qua.
Một giới chức cao cấp bộ ngoại giao Mỹ sau đó cho biết ông Berlusconi đã nêu những tài liệu bị tiết lộ này với Ngoại trưởng Clinton và nói rằng những tài liệu bị lộ liên hệ tới ông đã gây khó khăn cho chính phủ ông.
Nhưng giới chức này cho biết phản ứng chung của ông Berlusconi và những người khác bị nhắc đến một cách thiếu thiện cảm trong các tài liệu đó, kể cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, là chuyện thông cảm được cho chính quyền của Tổng thống Obama trong tình thế hiện nay.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng vụ tiết lộ hàng ngàn tài liệu của bộ Ngoại Giao “sẽ không gây bất cứ trở ngại” gì cho các chính sách ngoại giao Mỹ hiện nay. Ngoại trưởng Clinton đã họp bên lề hội nghị thượng đỉnh của tổ chức An Ninh và Hợp Tác châu Âu tại Kazakhstan với một số các nhà lãnh đạo thế giới có tên trong những tài liệu được nhắc đến trong các tài liệu mật bị Wikileaks tiết lộ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1