Đường dẫn truy cập

Người Việt nghĩ gì về đề xuất xóa bỏ quy chế quốc tịch cho trẻ sinh tại Mỹ?


Ảnh tư liệu - Các nhân viên liên bang khám xét một khu chung cư tại Orange County ngày 03/03/2015, nơi mà nhà chức trách nhận được tin báo có đường dây đưa những người phụ nữ mang bầu sang Mỹ sinh con để được hưởng quy chế quốc tịch với giá 50.000 đô la cho mỗi trường hợp.
Ảnh tư liệu - Các nhân viên liên bang khám xét một khu chung cư tại Orange County ngày 03/03/2015, nơi mà nhà chức trách nhận được tin báo có đường dây đưa những người phụ nữ mang bầu sang Mỹ sinh con để được hưởng quy chế quốc tịch với giá 50.000 đô la cho mỗi trường hợp.

Ngày 30/10, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ chính sách cấp quốc tịch cho trẻ em sinh ra tại Mỹ là con của người nước ngoài hoặc người nhập cư trái phép.

Đây là nỗ lực của tổng thống Trump trong việc hạn chế tình trạng di dân bất hợp pháp tới Mỹ sinh con với hy vọng đứa trẻ sau này sẽ bảo lãnh cha mẹ tới Mỹ định cư trong tương lai. Tuyên bố của TT Trump không chỉ "gây sốc" đối với di dân bất hợp pháp mà còn gây nhiều lo lắng cho những gia đình có điều kiện kinh tế, muốn con cái được lớn lên và hưởng nền giáo dục Hoa Kỳ như một công dân Mỹ. Trong số này có nhiều gia đình tại Việt Nam.

Chị Ninh Thị Thu Hằng là một trong những trường hợp sinh con và người con được hưởng quy chế quốc tịch Mỹ cách đây vài năm.

Năm 2013, khi mang thai đứa con đầu lòng, với điều kiện kinh tế khá giả, công việc tốt, được đi du lịch nhiều nơi, chị Hằng và chồng quyết định tới Mỹ sinh con với "kế hoạch" sau khi đứa nhỏ có quốc tịch Mỹ, chị sẽ đưa về Việt Nam nuôi dạy cho tới năm 12 tuổi rồi cho cháu quay trở lại Mỹ học tập, sinh sống. Xa hơn, nếu hai vợ chồng không còn muốn sống ở Việt Nam nữa thì đứa nhỏ lúc đó đã trưởng thành có thể trở thành cầu nối, bảo lãnh bố mẹ sang Mỹ đoàn tụ.

Trao đổi với VOA, chị Hằng cho biết rất mừng vì đã thực hiện thành công mục tiêu “Giấc mơ Mỹ” cho đứa con duy nhất của mình trước đây vài năm: “Thật sự nói không phải là chê Việt Nam mình đâu, nhưng môi trường, giáo dục đủ mọi thứ ở Việt Nam kém quá. Là bố mẹ thì hai vợ chồng tôi luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Vì thế mới tìm cách cho cháu được ra nước ngoài học tập, trưởng thành trong tương lai, mà Hoa Kỳ là đất nước tự do, điều kiện giáo dục tuyệt vời và nếu cháu được sinh ra tại Mỹ là cháu có quốc tịch ngay nên chúng tôi mới cố gắng vậy.”

Những trường hợp như Ninh Thị Thu Hằng là khá phổ biến đối với những gia đình có điều kiện kinh tế tại Việt Nam. Ngoài Việt Nam ra thì cũng có nhiều gia đình từ Trung Quốc, từ Nga hay từ khu vực Đông Âu tìm cách tới Mỹ sinh con để hưởng quy chế quốc tịch. Thậm chí tại những quốc gia Đông Âu và Nga còn có cả những tour du lịch sinh nở mà điểm đến là khu vực miền nam Florida nắng ấm với điều kiện y tế và thời tiết tuyệt vời cho các bà mẹ.

Điều này cho thấy Hoa Kỳ là nơi rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đặt niềm tin trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái trong tương lai. Và với tuyên bố của tổng thống Trump, đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Anh Nam Hoàng, người có dự định cho hai đứa con sang Mỹ du học trong những năm tới đây, cho VOA biết: “Theo tôi nghĩ ngoại trừ những di dân bất hợp pháp từ Mexico và các nước Trung Mỹ, thì những người Hoa, người Việt Nam hay người Đông Âu mà tới được Mỹ sinh con đều là những gia đình khá giả, có nhiều hiểu biết và thành công trong cuộc sống cả. Để sinh con và lấy quốc tịch Mỹ thì họ đều chuẩn bị kỹ càng rồi. Nên việc thu hút nguồn lực này tôi nghĩ cũng đem lại những lợi ích nhất định chứ.”

Quy chế cấp quốc tịch cho trẻ sinh ra trên đất Mỹ đã tồn tại 150 năm nay trong Hiến pháp Hoa Kỳ, từ năm 1868. Nay nếu thực hiện tuyên bố của tổng thống Trump thì điều ấy có nghĩa Hoa Kỳ đang đi theo những gì mà các quốc gia Tây Âu đã thực hiện cách đây hàng chục năm, ví dụ như nước Anh đã bãi bỏ quy chế quốc tịch tương tự vào năm 1983.

Đối với nhiều người Việt đã định cư tại Mỹ thì tuyên bố của ông Trump được đón nhận khá nồng nhiệt bởi họ lo ngại rằng, nếu không xem xét lại quy chế này thì một ngày nào đó, tình trạng nhập cư sẽ mất kiểm soát.

Bà Nguyễn Thu Thủy, người Việt định cư lâu năm tại California khẳng định suy nghĩ của mình với VOA: “Tôi nghe đài báo thì thấy người Trung Quốc sang đây sinh con và lấy quốc tịch cho con là nhiều nhất. Ví dụ như xin visa đi du lịch, nhưng không nói là mình có bầu, quấn bụng lại để sang đây sinh con. Gian dối như vậy rồi cuối cùng lại được hợp pháp hóa. Tôi thấy như vậy là điều rất vô lý."

Năm 2015, Pew Research Center đưa ra con số là có tới 270 nghìn trẻ em sinh ra tại Mỹ chỉ trong năm 2014 có cha mẹ là di dân bất hợp pháp.

Tổng thống Trump tuyên bố đang tiến hành quá trình thực hiện việc xóa bỏ quy chế cấp quốc tịch cho trẻ em người nước ngoài sinh ra tại Mỹ. Nếu thực hiện thành công thì đây là quyết định mạnh mẽ nhất của một tổng thống về vấn đề di trú tại Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua.

Tuy vậy, theo các chuyên gia pháp lý thì do quy chế cấp quốc tịch cho trẻ sinh ra tại Mỹ đã được quy định tại tu chính án 14 của Hiến pháp nên để có được những thay đổi như mong muốn, sắc lệnh của tổng thống phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 số thành viên của cả Hạ viện và Thượng viện, một điều rất khó thực hiện được trong bối cảnh hiện nay.

Có chăng TT Trump chỉ có thể thay đổi một phần chính sách này dựa trên một đoạn trong tu chính 14 có nội dung rằng người sinh ở Mỹ sẽ trở thành công dân Mỹ nếu "chịu sự quản lý của pháp luật" Mỹ. Như vậy, sẽ loại bỏ được những người nhập cư bất hợp pháp, vì những đối tượng này có thể được nhìn nhận là không chịu sự quản lý của pháp luật Mỹ, nên con của những người đó sinh ở Mỹ không được cấp quốc tịch Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG