Đường dẫn truy cập

Công an Đắk Lắk: Khởi tố ‘vụ án vu khống’, Phạm Đình Quý có liên quan


Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Một nguồn tin thuộc công an tỉnh Đắk Lắk nói cơ quan này đang tạm giữ ông Phạm Đình Quý để điều tra hành vi vu khống “một lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk”, báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh loan tin hôm 29/9.

Báo này và tờ Người Lao Động trong cùng ngày cho hay công an Đắk Lắk “đã mời” ông Quý, một giảng viên của trường đại học Tôn Đức Thắng, và một học trò của ông là tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn, để “làm việc” vì hai người “có liên quan đến vụ án vu khống” mà công an Đắk Lắk “đã khởi tố vào ngày 19/9”.

Như tin VOA đã đưa, theo thông tin từ những người thân ruột thịt trong gia đình tiến sĩ Phạm Đình Quý, trước đây, ông Quý gửi đơn đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Cục Báo chí để tố cáo rằng ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, đã đạo văn luận án tiến sĩ.

Ông Phạm Đình Phú, anh trai của tiến sĩ Phạm Đình Quý, trong những ngày gần đây “gửi đơn kêu cứu” vì cho rằng ông Quý bị nhà chức trách đưa đi theo cung cách “giống như một vụ bắt cóc”.

Trong đơn được ông Phú đưa lên mạng xã hội hôm 25/9, ông tường thuật rằng vào lúc 6 giờ chiều 23/9, tiến sĩ Quỹ và vợ mới cưới đã bị công an Đắk Lắk “khống chế và vây bắt” khi hai người đang đi ăn tối ở nơi đông người gần trường đại học Tôn Đức Thắng, ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Đến 4 giờ sáng 24/9, vợ ông Quý được thả, còn ông Quý bị đưa từ Tp.HCM lên Đắk Lắk và vẫn bị tạm giam kể từ đó cho đến nay.

Sau khi thông tin lan truyền trên mạng cho rằng tiến sĩ Quý “bị bắt cóc”, nhiều người có ảnh hưởng như luật sư Lê Luân, doanh nhân-nhà văn Trần Quốc Quân, doanh nhân Lê Hoài Anh… lên tiếng chất vấn về tính chính đáng của công an Đắk Lắk cũng như sự liên quan của ông Bùi Văn Cường trong vụ này.

Luật sư Lê Luân chỉ ra trên Facebook cá nhân rằng việc bắt, giữ người theo thủ tục hình sự phải có mặt của đại diện chính quyền địa phương, và trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt, giữ người thì cơ quan có thẩm quyền bắt, giữ phải thông báo cho gia đình hoặc nơi công tác.

Ông Luân viết rằng theo luật, nhà chức trách không bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc người bị truy nã. Việc bắt người phân loại ra bắt người phạm tội quả tang; bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt người đang bị truy nã và bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người theo yêu cầu dẫn độ.

Trong vòng 12 giờ kể từ khi bắt, giữ người, cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt hoặc trả tự do ngay cho họ.

“Như vậy, trong các trường hợp được nêu, không rõ ông Quý (người tố cáo ông Cường, Bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk) và vợ bị bắt, giữ trong trường hợp nào? Không có thủ tục mời người khác làm việc ngoài giờ làm việc của cơ quan công quyền”, luật sư Luân đặt câu hỏi.

Nhắc lại thực tế là ông Quý bị công an Đắk Lắk bắt vào buổi tối và tại địa phương khác, sau đó bị tạm giữ từ đó cho tới nay, luật sư Luân tiếp tục chất vấn rằng việc làm này của công an Đắk Lắk “dựa trên căn cứ nào và theo thủ tục nào của Bộ luật Tố tụng hình sự?”

Bà Lê Hoài Anh bình luận trên trang cá nhân: “Đất nước mà thích bắt ai thì bắt, thích xử ai thì xử khỏi cần toà án! Vô pháp, vô thiên quá mà! Xài luật rừng không!”

Ông Trần Quốc Quân đánh giá rằng vụ bắt giữ tiến sĩ Quý và tiến sĩ Tuấn là “rõ ràng mang động cơ chính trị”.

Theo ông Quân, trong vụ này, quan chức Bùi Văn Cường của Đắk Lắk thể hiện ra những điều gồm “lo sợ vụ việc ảnh hưởng đến sự tiến thân”, “lòng dạ hẹp hòi, muốn trả đũa những người dám tố cáo mình”, “thiếu hiểu biết pháp luật”, “lạm dụng quyền lực”.

Nhiều ý kiến tại các diễn đàn khác nhau trên mạng cho rằng tiến sĩ Quý công khai tố cáo ông Cường đạo văn, vì vậy, ông Quý phải được pháp luật bảo vệ, thay vì bị triệt hạ như những gì đang diễn ra.

VOA Express

XS
SM
MD
LG