Đường dẫn truy cập

Lại chuyện ‘cổng chào’


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Các dự án xây dựng cổng chào dường như không còn là đắc sách, tuy nhiên chẳng có gì bảo đảm các viên chức hữu trách ở Việt Nam sẽ ngừng tư duy nhằm tìm ra một hoặc những phương thức mới bòn rút cho sạch công khố...


***


Chuyện dùng ngân sách dựng những cổng chào trị giá hàng tỉ, thậm chí vài trăm tỉ đồng,… đang bị công chúng chỉ trích dữ dội sau khi chính quyền thành phố Cần Thơ triệu tập ông Chung Hoàng Chương đến làm việc vì “thông tin sai lệch trên mạng xã hội”.

Cáo buộc ông Chương “thông tin sai lệch trên mạng xã hội” xuất phát từ việc ông Chương đặt tấm ảnh chụp “cổng chào nghệ thuật” mà chính quyền thành phố Cần Thơ mới dựng để “Mừng Đảng, mừng Xuân” bên cạnh tấm ảnh giới thiệu một kiểu quần lót của phụ nữ trên trang facebook của ông.

Tuy ông Chương không bình luận nhưng ai xem status này cũng có cảm giác, hình như ý tưởng thiết kế “cổng chào nghệ thuật” để “Mừng Đảng, mừng Xuân” mà chính quyền thành phố Cần Thơ đã duyệt và dùng công quỹ để dựng, khởi phát từ kiểu quần lót chẳng mấy người dùng ấy.

Giữa lúc chính quyền thành phố Cần Thơ đang loay hoay chống đỡ dư luận thì chính quyền tỉnh Thái Nguyên tổ chức “trưng cầu dân ý” về thiết kế một cổng chào trị giá… 15 tỉ... Giống như “tức nước, vỡ bờ”, sau dân, tới lượt báo giới nối gót, chỉ trích bây giờ như bão.

Tờ Tuổi Trẻ đăng “Chào các… cổng chào bạc tỉ!”, liệt kê hàng loạt những chuyện quái đản từ phong trào dựng cổng chào từ làng, xã đến huyện, tỉnh.

Thật ra phong trào rút tiền từ công khố dựng cổng chào không mới. Phong trào này đã manh nha từ đầu thập niên 2010, dường như Hà Nội là nơi khởi xướng, dẫn đầu phong trào: Xã nào, huyện nào cũng dựng cổng chào. Càng về sau, qui mô cổng chào của các xã, các huyện càng lớn.

Ngân sách thâm thủng, nợ nần gia tăng, chi tiêu cho giáo dục, y tế liên tục bị cắt giảm nhưng những viên chức hữu trách ở các địa phương vẫn cương quyết dựng cổng chào vì theo họ, chúng là “dấu ấn”, là “biểu tượng văn hóa” của địa phương. Tiếc là tâm huyết của những viên chức hữu trách đối với các “dấu ấn”, các “biểu tượng văn hóa” không đủ thành ra các cổng chào thường bị chê là kệch cỡm và tuổi thọ rất ngắn. Năm 2010, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức khánh thành cổng chào trị giá 40 tỉ. Năm 2012, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức tháo dỡ “đôi cánh” đại diện cho “khát vọng vươn lên của Bình Dương” vì “không phù hợp” để thay bằng một quả cầu, trị giá một tỉ. Năm sau (2013), do quả cầu tả tơi, chính quyền tỉnh Bình Dương tiếp tục tổ chức tháo dỡ tiếp... Tương tự, sau khi chi 24 tỉ dựng một “cổng chào nghệ thuật” hồi 2015, năm ngoái, chính quyền thành phố Hải Phòng phải tổ chức tháo dỡ vì “dấu ấn”, “biểu tượng văn hóa” của thành phố này bị hư hỏng nặng.

Bởi chẳng ai thắc mắc về trách nhiệm trong việc rút tiền từ ngân khố ra để dựng và dùng cổng chào nên khi tới lượt mình, chính quyền tỉnh Quảng Ninh chi đến 200 tỉ để dựng cổng chào và chi thêm 35 tỉ khác để dựng cột đồng hồ ở Hạ Long. Dường như để chứng tỏ mình hơn xa, chính quyền tỉnh Thái Bình loan báo sẽ xây “tháp biểu tượng” cao 25 tầng, trị giá 300 tỉ


***


Tại Việt Nam, chính quyền các tỉnh thường “trông vào nhau” và yếu tố “tỉnh này, thành phố kia đã có còn chúng tôi thì chưa” trở thành lý do dẫn tới sự ra đời không chỉ vô số cổng chào, quần thể quảng trường – tượng đài, trung tâm hành chính, khu kinh tế, khu công nghiệp,… Từ khi ngân sách liên tục thâm thủng, nợ nần tăng vọt, lối so sánh như vừa kể không còn hợp thời, hợp cảnh, các viên chức hữu trách bắt đầu viện đến “nguyện vọng của nhân dân”.

Khi bị chất vấn tại sao trước nay thường xuyên xin gạo cứu đói mà vẫn chi tới 1,1 tỉ đồng để dựng cổng chào, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, khẳng định đó là “nguyện vọng của nhân dân”!

Năm 2015, cũng với những lý do “không có là một thiệt thòi” và “nguyện vọng của nhân dân”, Sơn La quyết định xây quần thể quảng trường - tượng đài Hồ Chí Minh, trị giá 1.400 tỉ đồng. Đó là lần đầu tiên, kế hoạch xây dựng những quảng trường – tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh bị chỉ trích kịch liệt trên diện rộng. Ông Ngô Bảo Châu, một trong những trí thức nổi tiếng ôn hòa cũng không kềm được giận dữ vì số tiền đó đủ để xây toàn bộ trường học, các ký túc xá cho cả Sơn La lẫn các tỉnh miền núi. Ông Châu nhấn mạnh: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.

Không nói ra thì ai cũng biết tại sao chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam hết sức nhiệt thành với những dự án xây dựng. Trong số các dự án xây dựng, chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đặc biệt yêu thích loại dự án xây dựng quần thể quảng trường – tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh bởi có thể yêu cầu chi hàng ngàn tỉ. Do chính quyền địa phương nào cũng muốn thực hiện dự án xây dựng quần thể quảng trường – tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2015, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Việt Nam phải tổ chức một hội thảo về “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”. Theo “quy hoạch” được công bố tại hội thảo đó thì từ 2015 đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất ngân sách để xây dựng... 58 quần thể quảng trường – tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh. Chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam phải xếp hàng chờ tới lượt mình.

Phản ứng của công chúng đối với chuyện chi 1.400 tỉ xây dựng quần thể quảng trường - tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La, rồi ngay sau đó, xảy ra sự kiện, do các bệnh viện ở Sơn La thiếu phương tiện vận chuyển, người nghèo phải dùng mền hay chiếu bó xác thân nhân qua đời tại bệnh viện, cột vào phía sau xe hai bánh gắn máy để chờ về nhà… khiến nhịp điệu xây dựng quần thể quảng trường - tượng đài Hồ Chí Minh chậm lại.

Song khó chẳng bó được khôn, hồi trung tuần tháng 7 năm ngoái, báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã bỏ phiếu thông qua Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới do chính quyền tỉnh Quảng Bình đệ trình. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ giao cho một công ty có tên là Sơn Hải 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới và công ty này sẽ bỏ ra 128 tỉ đồng để thực hiện Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh. Bởi đó là Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh nên không thấy ai thắc mắc 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới đã được định giá thế nào, có tương xứng với 128 tỉ đồng hay không (?), nếu xét về tính chất, mức độ thiết thực giữa “quần thể tượng đài Hồ Chí Minh” với 6.000 đứa trẻ chưa có chỗ học hành tử tế, phải học lớp ghép (ghép hai, thậm chí ba lớp ở các bậc khác nhau vào một phòng học), học nhờ, học tạm trong những nơi không thể gọi là trường thì thứ nào nặng, thứ nào nhẹ (?),…


***


Ở “Chào các… cổng chào bạc tỉ!”, tờ Tuổi Trẻ cay đắng: “Chào năm 2018, chào các cổng chào!”. Khi một hệ thống dung dưỡng các viên chức loay hoay thử nghiệm “trăm phương”, bày ra “ngàn kế” để vắt kiệt nguồn lực quốc gia thì chỉ có một kiểu “chào” phù hợp. Đó là bái biệt rồi tống tiễn.

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG