Đường dẫn truy cập

Việt Nam hứa hẹn ‘nhiều bất ngờ’ tại hội chợ vũ khí, hai đối thủ Iran-Israel đều có mặt


Tên lửa phòng không S125-2TM do Nga sản xuất được trưng bày tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, tại Hà Nội vào ngày 8/12/2022.
Tên lửa phòng không S125-2TM do Nga sản xuất được trưng bày tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, tại Hà Nội vào ngày 8/12/2022.

Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 19/11 cho biết sẽ có một danh mục vũ khí do Việt Nam chế tạo với “những vượt trội” được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 và “hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ”, trong khi hãng tin Reuters cho biết sẽ có cả hai đối thủ Iran và Israel cùng những đối thủ địa chính trị khác tham gia cuộc triển lãm này.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22 tháng 12 tại sân bay Gia Lâm ở Hà Nội, với mục tiêu đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, đồng thời tìm hiểu xu hướng phát triển của vũ khí trên thế giới để lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết trong buổi họp báo ngày 19/11.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để Việt Nam “quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí” do Việt Nam sản xuất và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm này, vẫn theo Bộ Quốc phòng.

Trang tin của Bộ dẫn thông tin từ cuộc họp báo nói rằng cho đến nay, đã có 42 đoàn chính thức đăng ký sang thăm và dự triển lãm tại Việt Nam, và gần 200 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 27 quốc gia đăng ký trưng bày tại đây.

Trong số các quốc gia tham gia triển lãm, có các công ty đến từ Iran, Israel, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Theo Reuters, đây là một sự kiện hiếm hoi mà các đối thủ địa chính trị cùng tham gia trưng bày sản phẩm vũ khí của mình. Đáng chú ý là sự có mặt của các công ty quốc phòng đến từ Israel và Iran, hai nước đang tấn công tên lửa và không kích lẫn nhau trong năm qua, trong khi Iran đang phải chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây.

Trong lần triển lãm trước của Việt Nam vào năm 2022, các công ty Iran và Trung Quốc đã không tham gia, trong khi các công ty quốc phòng của Israel là Elbit Systems và Rafael Advanced Defense Systems nằm trong số những đơn vị triển lãm.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp quân sự của mình để giảm sự phụ thuộc kéo dài nhiều thập niên vào Nga. Hà Nội cũng đã thảo luận về các thỏa thuận mua sắm tiềm năng với nhiều quốc gia, cố gắng tận dụng chính sách ngoại giao linh hoạt của mình để có mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc.

Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện vẫn chưa công bố danh sách đầy đủ những đơn vị tham gia và không rõ những loại vũ khí nào sẽ được trưng bày. Theo Reuters, các công ty đôi khi chỉ trưng bày các mô hình vũ khí lớn của họ.

Tập đoàn quốc phòng khổng lồ Norinco của Trung Quốc, đơn vị hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, sẽ tham dự cuộc triển lãm tại Việt Nam, theo lời Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, nói với Reuters bên lề cuộc họp báo về triển lãm hôm 19/11.

Theo ông Tuyến, phía Mỹ sẽ có các công ty Boeing và Lockheed Martin.

Lockheed Martin hiện đang đàm phán nâng cao với Việt Nam để cung cấp một số máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules, theo một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho Reuters biết vào đầu tháng này, xác nhận thông tin trước đó của hãng thông tấn Anh.

Người phát ngôn của công ty trên không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Danh sách đa dạng của các nước tham dự chính là “mà trình diễn của ngoại giao cây tre”, ông Nguyễn Thế Phương, một chuyên gia về an ninh Việt Nam tại Đại học New South Wales của Úc, nhận định với Reuters.

“Việt Nam sẽ hợp tác với bất kỳ đối tác nào mà họ thấy phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng”, ông Phương nói.

Tại triển lãm năm 2022, Việt Nam đã ký năm hợp đồng với các công ty quốc phòng nước ngoài, theo lời ông Tuyến, mặc dù không có hồ sơ công khai nào về các hợp đồng này được đưa ra.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG