Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Quốc hội Mỹ hội kiến đức Đạt lai Lạt ma tại Điện Capitol


Ðức Ðạt Lai Lạt Ma (phải) Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, và lãnh đạo khối thiểu số Hạ viện Dân biểu Nancy Pelosi trong buổi hội kiến tại Quốc hội Hoa Kỳ
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma (phải) Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, và lãnh đạo khối thiểu số Hạ viện Dân biểu Nancy Pelosi trong buổi hội kiến tại Quốc hội Hoa Kỳ

Hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, ông John Boehner, và trưởng khối thiểu số Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã hội kiến lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt lai Lạt ma, tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ. Đức Đạt lai Lạt ma tuyên bố ngài có “bổn phận” gặp các “bạn bè cũ” và giải thích vì sao ngài tự nguyện bàn giao quyền chính trị hồi đầu năm nay.

Đức Đạt lai Lạt ma đã họp với một số nhà lập pháp Mỹ hôm qua trong chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên kể từ khi ngài không còn giữ chức lãnh đạo chính trị của chính phủ lưu vong Tây Tạng. Ngài đã được cả các đảng viên Cộng hòa lẫn Dân chủ chào mừng.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner tỏ ra xúc động một cách rõ ràng, khi nói rằng nước Mỹ lâu nay đã gắn bó chặt chẽ với Đức Đạt lai Lạt ma.

Chủ tịch Hạ viện nói: “Bất cử đến đâu, Đức Đạt lai Lạt ma đều bầy tỏ lòng tận tụy không mệt mỏi đối với những giá trị mà tất cả chúng ta đều trân trọng. Ngài nêu rõ những giá trị đó và khiến mọi người đều cảm nhận giống như ngài.”

Trưởng khối thiểu số Hạ viện, bà Nancy Pelosi của đảng Dân chủ, từng là một người ủng hộ mãnh liệt cho các quyền tôn giáo, văn hóa và tinh thần của nhân dân Tây Tạng.

Dân biểu Pelosi nói: “Tôi rất hãnh diện về sự kiện là chúng ta cùng đến đây dưới vòm của Điện Capitol nhiều lần để tuyên dương Ngài.”

Đức Đạt lai Lạt ma đã buộc phải đi sống lưu vong sau một vụ nổi dậy bất thành của nhân dân Tây Tạng chống lại chính quyền Trung Quốc năm 1959.

Trung Quốc cáo buộc Đức Đạt lai Lạt ma là ủng hộ việc Tây Tạng tách ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng Đức Đạt lai Lạt ma từng nói trong nhiều thập niên rằng ngài chỉ ủng hộ tự trị chính trị cho Tây Tạng, chứ không đòi độc lập tách khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ chớ nên mở cuộc họp chính thức nào với nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua tuyên bố Trung Quốc phản đối bất cứ chính phủ nước ngoài nào khuyến khích các hoạt động nhắm “chia rẽ tổ quốc.”

Dân biểu Nancy Pelosi nhắc lại sự kiện nhiều vị tổng thống của Hoa Kỳ đã có các quan hệ chặt chẽ với Đức Đạt lai Lạt ma.

Bà nói: “Khi ngài còn là một chàng trai rất nhỏ tuổi và lúc mới trở thành Đức Đạt lai Lạt ma, Tổng thống Franklin Roosevelt đã gửi cho ngài một cái đồng hồ đeo tay. Thừa nhận lòng yêu mến của ngài, ngay cả khi còn trẻ tuổi, đối với khoa học và kỹ thuật, đó là một chiếc đồng hồ với các chu kỳ của mặt trăng.”

Đức Đạt lai Lạt ma cho biết ngài muốn giải thích với các nhà lập pháp Hoa Kỳ lý do vì sao ngài từ chức lãnh đạo chính trị của chính phủ lưu vong Tây Tạng.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói: “Tôi tin rằng đất nước từng được trị vì bởi các quốc vương hay hoàng hậu, hay lãnh đạo tôn giáo -các nước đó đã lỗi thời và thật ra, các cơ chế tôn giáo và cơ chế chính trị phải tách biệt.”

Ngài nói ngài cảm thấy là thời điểm đã chín muồi để từ chức bởi vì các thành viên của cộng đồng Tây Tạng sẵn sàng bước ra lãnh đạo.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Nay thì tổ chức nhỏ bé của chúng tôi trong cộng đồng lưu vong là một cơ chế dân chủ đầy đủ. Và chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào.”

Một số nhà lập pháp Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống Barack Obama là không tổ chức một cuộc hội kiến Đức Đạt lai Lạt ma trong chuyến thăm này.

Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang có mặt tại Washington trong 11 ngày trong khuôn khổ một lễ thiền định.

Năm ngoái, một cuộc hội kiến kín đáo giữa Tổng thống Obama và Đức Đạt lai Lạt ma ở Tòa Bạch Ốc đã gây phẫn nộ cho chính phủ Trung Quốc.

Các chuyên gia phân tích cho rằng tổng thống có thể sẽ mở một cuộc họp xã giao thầm lặng với Đức Đạt lai Lạt ma trước khi ngài rời khỏi Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG