Đường dẫn truy cập

Dịch corona: Người Việt muốn học sinh vẫn nghỉ, tạm dừng đón người Hàn


Vrus corona chủng mới lan nhanh ở Daegu, Hàn Quốc, làm người Việt lo ngại dịch sẽ lan sang Việt Nam
Vrus corona chủng mới lan nhanh ở Daegu, Hàn Quốc, làm người Việt lo ngại dịch sẽ lan sang Việt Nam

Trong cuộc họp của chính phủ Việt Nam hôm 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng hiện chính phủ “chưa chốt” việc cho học sinh đi học trở lại vào 2/3 mà phải chờ đến ngày 27-28/2, xem tình hình dịch virus corona diễn biến, bùng phát ra sao “mới đưa ra quyết định”.

Theo tường thuật của Tuổi Trẻ, Zing và các báo trong nước, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết tại cuộc họp rằng bộ của ông đề nghị các địa phương “xem xét, quyết định” cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ 2/3.

Đề nghị kể trên được đưa ra sau khi bộ đã phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương làm vệ sinh, khử trùng lớp học và “thực hiện nghiêm” các biện pháp phòng, chống dịch, ông Nhạ nói.

“Dịch diễn biến rất phức tạp nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại”, ông Nhạ phát biểu, theo trích dẫn trên các báo.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và rất nhanh cho nên tôi hoàn toàn không muốn các học sinh phải đi học vào thời điểm này.
Doanh nhân Lê Hoài Anh


Tuy nhiên, sau báo cáo của vị bộ trưởng giáo dục-đào tạo, Thủ tướng Phúc đề nghị “phải cân nhắc để đảm bảo an toàn” và nhấn mạnh “còn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh đến hết tuần này”, báo chí Việt Nam cho biết.

VOA quan sát thấy chỉ đạo của Thủ tướng Phúc cũng trùng hợp với kiến nghị của nhiều người Việt nêu lên qua mạng xã hội.

Họ cho rằng vẫn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến dịch virus corona chủng mới, đang diễn ra ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, vì vậy chưa nên mở cửa trở lại các trường học.

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh có nhiều ảnh hưởng trên Facebook chia sẻ quan điểm của bà với VOA:

“Trong môi trường học sinh của Việt Nam, học sinh ngồi rất gần nhau cho nên chưa nên cho học sinh trở lại. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và rất nhanh cho nên tôi hoàn toàn không muốn các học sinh phải đi học vào thời điểm này. Tôi nghĩ rất nhiều bậc cha mẹ cũng tính như thế”.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy năm học 2019-2020, Việt Nam có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên.

Bà Hoài Anh bày tỏ lo ngại rằng trong bối cảnh còn nhiều bất trắc như hiện nay, dù chỉ một, hai ngôi trường có học sinh nhiễm virus cũng có thể ảnh hưởng đến cả một thành phố. Hoặc đáng sợ hơn, nếu xảy ra lây lan virus trong học sinh, dịch bệnh có thể nhanh chóng ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình, nữ doanh nhân có hàng trăm ngàn người theo dõi qua Facebook nói với VOA.

Các trường công và tư ở Việt Nam vẫn đang đóng cửa do tình hình dịch virus corona
Các trường công và tư ở Việt Nam vẫn đang đóng cửa do tình hình dịch virus corona

Trước cuộc họp của chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ký một văn bản hôm 20/2 kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên đến hết tháng 3.

Vị lãnh đạo của thành phố lớn nhất Việt Nam dẫn ra những quan ngại về dịch bệnh diễn biến “phức tạp, khó lường” và tiềm ẩn “nhiều nguy cơ” cũng như “chưa có dấu hiệu ổn định”.

Phó giáo sư-tiến sĩ Bùi Quang Vinh, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM, bày tỏ quan điểm ủng hộ kiến nghị của lãnh đạo thành phố trong một bài phỏng vấn với báo Phụ Nữ hôm 24/2.

Ông Vinh, người cũng là chuyên gia dịch tễ, chỉ ra rằng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy rõ rằng loại virus chết chóc có thể lây qua đường lây không khí.

“Đây là cơ chế lây lan nguy hiểm nhất”, phó giáo sư-tiến sĩ Bùi Quang Vinh nói với Phụ Nữ.

Theo chuyên gia này, hiện tại tình hình ở TP.HCM “đang tốt”, nhưng nếu giảm bớt công tác cách ly vào tháng 3, tức cho học sinh đi học lại, chỉ cần một trường hợp nhiễm virus nào đó xảy ra, hậu quả sẽ lâu dài.

“Nếu sắp tới tựu trường, cùng với hoạt động giao thông, giao thương, du lịch của một thành phố có đầy đủ cảng biển, cảng hàng không thì khả năng ‘vỡ trận’ khó tránh khỏi”, ông Vinh nói thêm.

Lúc này, theo quan sát của VOA, nhiều người Việt cũng đang đề nghị chính quyền xem xét các biện pháp “mạnh hơn” để đề phòng và ngăn chặn tình trạng lây lan virus từ Hàn Quốc sang Việt Nam, bao gồm cả tạm cấm nhập cảnh người Hàn Quốc.

Các hãng tin quốc tế cho biết tính đến 24/2, Hàn Quốc có 833 người dương tính với virus corona chủng mới, trong đó có 7 người đã chết.

Con số người lây nhiễm ở Hàn Quốc tăng theo cấp số nhân chỉ trong ít ngày sau khi một phụ nữ 61 tuổi bị quy là “người gây ra siêu lây lan” ở thành phố Daegu lớn thứ tư Hàn Quốc.

Đường phố vắng tanh, hàng quán đóng cửa ở Daegu, Hàn Quốc
Đường phố vắng tanh, hàng quán đóng cửa ở Daegu, Hàn Quốc

Người dân Việt Nam lo ngại về dịch bệnh lan sang từ Hàn Quốc do giữa hai nước có nhiều giao thương, giao lưu nhộn nhịp.

Số liệu từ Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết đến cuối năm 2018 có khoảng 150.000 người Hàn đang sinh sống tại Việt Nam. Trong khi đó, phía Việt Nam ước tính có hơn 200.000 người Việt sinh sống, học tập và làm việc ở Hàn Quốc, bao gồm hơn 50.000 người lao động.

Việt Nam là nước mà y tế hãy còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa có đủ. Ngay kể cả giường bệnh nhiều khi cũng không đủ cho những bệnh tật bình thường, chưa nói đến là bây giờ dịch bệnh như thế này.
Bà Lê Hoài Anh


Trong những tuần gần đây, nhiều người Hàn, Việt đi lại giữa hai nước để về quê hương đón năm mới hoặc đi du lịch. Giờ đây, việc đi lại của họ làm dấy lên mối lo cho người dân Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, Facebooker có gần 48.000 người theo dõi, viết trên trang cá nhân hôm 24/2 dẫn lại các tin quốc tế nói đã có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc.

Trên cơ sở đó, một mặt ông nêu đề xuất rằng hai chính phủ của Việt Nam và Hàn Quốc cần đạt thỏa thuận để đảm bảo quyền lợi và quan hệ hai nước êm đẹp, song mặt khác ông cũng nhấn mạnh rằng “đóng cửa các chuyến bay đến từ vùng dịch bệnh là điều bắt buộc”.

Nhà báo độc lập Lê Dũng Vova với hơn 130.000 theo dõi qua Facebook cũng có quan điểm là thủ tướng Việt Nam “cần xem cho dừng khách Hàn bay đến Việt Nam”. Theo Facebooker này, không nên “ham mấy đồng” của du khách để rồi có thể phải “lĩnh dịch bệnh” với thiệt hại gấp nhiều lần.

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh cho VOA biết bà ủng hộ những lời kêu gọi như kể trên. Bà nói thêm rằng hệ thống y tế Việt Nam đang căng sức hoạt động rồi, vì vậy, phải cố gắng tránh có thêm rủi ro:

“Việt Nam là nước mà y tế hãy còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa có đủ. Ngay kể cả giường bệnh nhiều khi cũng không đủ cho những bệnh tật bình thường, chưa nói đến là bây giờ dịch bệnh như thế này. Rất nhiều người chưa có sự tin tưởng. Mức sống, trang thiết bị y tế và số giường bệnh của Việt Nam không đủ để đối phó với một đại dịch”.

Theo một bản tin trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam vào tối 24/2, Thủ tướng Phúc chỉ đạo tại cuộc họp mới đây rằng chính phủ của ông “kiên quyết nhưng bình tĩnh” trong chống dịch, cố gắng thực hiện mục tiêu kép là “vừa chống dịch tốt, vừa triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm hoạt động bình thường”.

“Không run sợ, không quá lo lắng, nhưng không được chủ quan”, thủ tướng của Việt Nam nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG