Đường dẫn truy cập

COVID-19, Trung Quốc và những bài học bổ ích cho Việt Nam


Nhà báo Trung Quốc đeo khẩu trang xem một thông cáo báo chí của chính quyền trước một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Nhà báo Trung Quốc đeo khẩu trang xem một thông cáo báo chí của chính quyền trước một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

COVID-19 đang làm cục diện thế giới thay đổi. Chắc chắn vai trò, vị trí của Trung Quốc sẽ rất khác so với trước. Ưu thế của Trung Quốc về tầm vóc thị trường, về giá nhân công rẻ, về thu hút đầu tư, về nguồn nguyên liệu, vật liệu đa dạng, dồi dào,… từng giúp Trung Quốc gia tăng khả năng chi phối sức cạnh tranh, duy trì sự ổn định từ chính trị tới kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia, kể cả các cường quốc, nay rơi theo phương thẳng đứng!

COVID- 19 giống như “cạnh” còn lại của “con dao hai lưỡi” – phương thức quản trị, điều hành quốc gia, cung cách hành xử trâng tráo, trịch thượng trong đối ngoại của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc – đã rạch một nhát rất sâu vào nhận thức của cộng đồng quốc tế. Chẳng riêng châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Úc mà ngay cả châu Phi cũng đã tỉnh ra, đã hiểu thế nào là “lợi bất cập hại” khi làm ngơ, nhẫn nhịn, thậm chí nương theo Trung Quốc để các bên cùng có lợi.

Hóa ra làm ngơ để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc hành xử độc đoán, vô luân ở Trung Quốc,… hóa ra “nhìn trước, ngó sau”, bất kể đạo lý, luôn luôn cân phân lợi – hại trong gìn giữ quan hệ với Trung Quốc lại tai hại đến như thế! Đã có nhiều triệu người, đặc biệt là chính khách ở nhiều quốc gia ngộ ra: Nếu cộng đồng quốc tế không như thế, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc bị buộc phải ứng xử minh bạch, có trách nhiệm với đồng bào và rộng hơn với nhân loại thì COVID-19 đã bị chặn ngay ở Vũ Hán, không lan rộng trên phạm vi toàn cầu, gây ra đủ loại thiệt hại kinh khủng như đang thấy.

Cho dù tình thế đã khác nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc không nhận ra điều đó. Nỗ lực hóa giải trách nhiệm về COVID-19, thậm chí cố gắng biến COVID-19 thành son, phấn để tô vẽ diện mạo, nâng cao uy tín của Trung Quốc đã tạo ra đủ loại “gậy”, giao vào tay thiên hạ cho họ “vụt” chính Trung Quốc. Khống chế xuất cảng hay viện trợ các loại trang bị, thiết bị y tế cho một số quốc gia chỉ khiến thiên hạ thêm khinh bỉ, căm giận.

Nỗ lực của các viên chức ngoại giao Trung Quốc, những cuộc vận động để khen ngợi, cám ơn Trung Quốc ở nơi này, nơi khác hay những lá thư gửi cho Daily Telegraph ở Úc, Bild ở Đức,… từng tạo ra nhiều “tác động tích cực” đối với việc bảo vệ hình ảnh, gia tăng uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc, giờ trở thành lý do thúc thiên hạ tự thấy phải làm gì đó mạnh mẽ hơn là chỉ chỉ trích. Chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc khiến thiên hạ nhận ra họ phải tự thay đổi cả nhận thức lẫn cách hành xử đối với Trung Quốc. Thay đổi đó không đơn thuần là do nghĩa vụ bảo vệ dân chủ, nhân quyền mà vì lợi ích thiết thân của chính họ.

***

Không cần phải rành tiếng Anh mới có thể biết tâm tư, tình cảm của thiên hạ với Trung Quốc và về Trung Quốc đang như thế nào. Cả hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam lẫn mạng xã hội Việt ngữ đã cũng như đang liên tục cập nhập những diễn biến ấy (1). COVID-19 đã làm những người vốn dửng dưng về chính trị cũng có thể cảm nhận tường tận tác hại mà một chính quyền cộng sản có thể gieo rắc trên đầu của họ, đe dọa cả hiện tại lẫn tương lai của họ.

Trong bối cảnh như hiện nay, có tiếp tục tự hào vì bản chất chính thể cũng bất nhân, bất trí, bất tín, bất nghĩa y hệt Trung Quốc hay không là một lựa chọn! Có nên bô bô phản ứng một cách trâng tráo trước những chỉ trích về xâm hại các tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền của nhân loại như “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở ngay bên cạnh” hay không là một lựa chọn khác, COVID-19 đã vô hiệu hóa lối biện bạch về “đặc điểm riêng, tiêu chí riêng” và xé toạc tấm khiên “chuyện nội bộ của một quốc gia”.

Cuối cùng, có nên tiếp tục xem “tuyên truyền” như “nhiệm vụ chính trị trọng tâm” cả trong đối nội lẫn đối ngoại như Trung Quốc, hay “có sao, nói vậy” như thiên hạ? Vì sao đã chứng kiến thiên hạ khinh bỉ, căm giận Trung quốc như thế nào khi lợi dụng yếu tố “nhân đạo” để “tuyên truyền” mà đến cuối tuần vừa qua, vẫn còn thản nhiên biến chuyến bay do ENI (tập đoàn dầu khí của Ý) thuê để đưa chuyên gia và hàng hóa từ Việt Nam về Ý thành… “Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã phối hợp với Vietnam Airlines ‘điều máy bay đưa người Ý bị kẹt tại Việt Nam về nước’ và đưa một số người Việt bị kẹt tại Ý hồi hương” (2)?

***

1,3 tỉ người Trung Hoa không chỉ phải trả giá rất đắt cho kiểu nhận thức, lối hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc mà còn bị thiên hạ khinh miệt lây. Không phải tự nhiên mà người Trung Hoa sống ở Đài Loan muốn chính quyền Đài Loan loại bỏ China khỏi quốc hiệu của lãnh thổ này (Republic of China) (3). Liệu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có nhìn thấy giá trị của những bài học mà thiên hạ đang dạy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/to-bild-doi-trung-quoc-boi-thuong-cho-duc-160-ti-usd-vi-covid-19-20200420141740648.htm

(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10220422073795798&set=pcb.260154871827180

(3) /a/tức-giận-tq-người-đài-loan-đòi-bỏ-chữ-china-trên-hộ-chiếu/5362933.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG