Đường dẫn truy cập

CPTPP: Kẻ nào không muốn sửa Luật Công đoàn?


Các đại diện thành viên thuộc TPP chụp hình tại Santiago, Chile, ngày 8 tháng Ba.
Các đại diện thành viên thuộc TPP chụp hình tại Santiago, Chile, ngày 8 tháng Ba.

Dù Luật Công đoàn năm 2012 có khá nhiều mối liên hệ hữu cơ qua lại với Bộ luật Lao động, và một cách đương nhiên theo đòi hỏi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia - khi sửa luật này thì đồng thời phải sửa luật kia và ngược lại, vẫn đang tồn tại âm mưu ‘không sửa Luật Công đoàn’.

Kẻ nào là thủ phạm của âm mưu trên?

Và nếu âm mưu trên được thi hành, kẻ nào sẽ được hưởng lợi lớn nhất?

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và 3% ‘ăn cướp’!

Cùng với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nằm trong số 6 ‘cánh tay nối dài của đảng’ bị xem là bám chặt đời sống ký sinh, mỗi năm tiêu xài đến 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách - tức tiền mà người dân phải è cổ đóng thuế.

Nhưng ngoài tiền cấp từ ngân sách, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn một nguồn thu rất màu mỡ khác.

Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở” - Điều 4, Nghị định số 191/2013/NĐ-CP do ‘Anh Ba X’ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành đã quy định như thế.

Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ: ‘không ăn cướp thì là cái gì!’.

Thu tiền và xài tiền phủ phê đến thế, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.

Nhiều nguồn tin từ giới công nhân còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.

Rốt cuộc, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn cướp’ 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.

Vì sao ‘hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp’?

Chỉ đến tháng Mười Một năm 2018, trùng với thời điểm đích thân ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ đạo’ Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP, một quan chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu mới nêu ra, như một cách lên án, đối với ‘công đoàn vàng’

“Nếu không cẩn thận, sẽ hình thành một loại tổ chức công đoàn gọi là 'công đoàn vàng', hoặc một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp” - Quan chức Ngọ Duy Hiểu ‘lo ngại’.

Trong lý luận về lao động quan hệ lao động của chính quyền Việt Nam, ‘công đoàn vàng’ là một khái niệm nhằm ám chỉ công đoàn của giới chủ, lập ra bởi giới chủ và phục vụ cho quyền lợi của giới chủ, trong khi đối lập với quyền lợi của người lao động.

Nhưng vì sao đến lúc này giới quan chức công đoàn quốc doanh lại lo sợ “hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp”? Với thâm ý gì?

Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân đã trở nên quá bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt hàng chục qua. Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Điều kiện sống eo hẹp đã dẫn đến tình cảnh quá khó khăn của công nhân ở rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Ngược lại, những điều kiện sử dụng lao động lại ngày càng hà khắc, không chỉ biểu tả cho một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà còn thêu dệt cho bức tranh thời kỳ đầu của “chủ nghĩa tư bản dã man” tại quốc gia đang quá sức nhập nhoạng và như thể đang chen lấn lao xuống địa ngục trong cơn khủng hoảng về ý thức hệ này…

Sự thật trần trụi là một khi người công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập, họ sẽ tự bảo vệ quyền lợi của mình, phản đối các chính sách bất công của chính quyền và giới chủ và cũng đương nhiên phản ứng với não trạng, thái độ và cách hành xử bảo thủ, quan liêu và ngập ngụa tư chất lợi ích nhóm của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

Khi đó, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ phải chịu nguy cơ lớn, hoặc rất lớn về mất mát quyền lực, hoặc chắc chắn sẽ mất hẳn vai trò “tổ chức chính trị - xã hội’ của nó, không những không còn ngân sách đảng phóng tay cấp tiền ăn xài mà còn sẽ mất hẳn 3% ‘ăn cướp’ được từ giới doanh nghiệp và công nhân.

Đó chính là nguồn cơn sâu xa mà đã khiến giới quan chức của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam trở nên biến báo, ngụy biện và quy chụp chính trị bất cần liêm sỉ về ‘công đoàn vàng’ và “một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp”, khi đề cập đến công đoàn độc lập - ‘kẻ thù’ của họ và cũng là của chế độ một đảng.

Một bằng chứng từ Phạm Bình Minh

Nguy cơ mất ăn 3% cũng chính là nguồn cơn sâu xa khiến tại kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2018, mặc dù đã phải thừa nhận sẽ cạnh tranh với công đoàn độc lập được lập ra bởi công nhân trong tương lai, nhưng giới quan chức nhà nước vẫn âm mưu đối phó với CPTPP hiện thời và cả EVFTA sau này bằng cách ‘chỉ sửa Luật Lao động nhưng không cần thiết phải sửa Luật Công đoàn’. Một trong những bằng chứng rõ nhất âm mưu này chính là thông tin mà quan chức Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói trước quốc hội: ‘cho đến hiện nay thì Chính phủ không đề xuất sửa Luật Công đoàn’.

Đó là chính phủ của Thủ tướng Phúc. Liệu chính phủ này có toa rập với Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam để trong suốt một thời gian dài, cơ quan công đoàn quốc doanh này đã không hề trình một dự thảo nào về sửa Luật Công đoàn?

Lý do thật ‘đơn giản’: nếu sửa Luật Công đoàn thì rất có thể sẽ phải bỏ quy định ‘ăn cướp 3%’ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đối với thu nhập của các doanh nghiệp và của người lao động - một quy định ăn trên ngồi trốc, bị xem là ‘ăn trên xương máu người lao động’ mà đã gây phẫn nộ lớn trong nhiều năm qua trong cả giới công nhân lẫn giới chủ.

Và nếu phải sửa Luật Công đoàn, chẳng có gì chắc chắn là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ giữ được vai trò ‘quản lý lao động’ như Luật Công đoàn cũ. Hoặc nếu được sửa, rất có khả năng Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ vẫn bao hàm một nội dung - dù được thể hiện kín đáo hơn chứ không dám lộ liễu như trước - về việc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ ‘quản lý’ cả các công đoàn độc lập, một quy định hoàn toàn trái khoáy với các công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam sẽ phải ký kết bởi trong các công ước quốc tế này, bởi trong CPTPP vai trò và tư cách của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và các tổ chức công đoàn độc lập là bình đẳng, không ai được ‘quản lý’ ai…

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG