Đường dẫn truy cập

CSIS: Việt Nam không có ý định quân sự hóa Biển Đông như Trung Quốc


Ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy sự nâng cấp xây dựng các cơ sở của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa ở vùng Biển Đông có tranh chấp với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
Ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy sự nâng cấp xây dựng các cơ sở của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa ở vùng Biển Đông có tranh chấp với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.

Việt Nam đã âm thầm nâng cấp việc xây dựng các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa nhưng không có ý định quân sự hóa trên vùng Biển Đông như Trung Quốc, theo một khảo sát của Trung tâm nghiên Chiến lược Quốc tế CSIS ở Washington, Mỹ.

Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của CSIS cho biết trong một khảo sát được công bố hôm 8/4 rằng: “Việt Nam tiếp tục nâng cấp các cơ sở vật chất ở quần đảo Trường Sa mặc dù rõ ràng không vấp phải những phản ứng mà các lực lượng quân sự hàng hải của Trung Quốc cũng như của Philippines phải đối mặt gần đây.”

Việt Nam hiện đang chiếm cứ 49 tiền đồn trải rộng trên 27 thực thể xung quanh quần đảo Trường Sa. Theo AMTI cho biết, trong số các thực thể trên, chỉ có 10 có thể được gọi là đảo nhỏ trong khi phần còn lại là các bãi đá ngầm nằm bên dưới mặt nước.

Khảo sát của trung tâm nghiên cứu Mỹ nói rằng Việt Nam “đã tiến hành mở rộng” Trường Sa – tiền đồn lớn nhất và là trung tâm hành chính của Việt Nam trong khu vực Biển Đông – “để kéo dài một đường băng nhỏ cũng như tạo nên một cảng được bảo vệ.”

Kể từ khảo sát trước đó của AMTI về các cơ sở vật chất của Việt Nam trên Biển Đông được công bố vào giữa năm 2017, Hà Nội đã tiếp tục việc nâng cấp xây dựng hòn đảo này.

Việt Nam đã tạo ra khoảng 40 acre (hơn 16 hecta) đất mới trong quần đảo Trường Sa bằng việc “sử dụng các thiết bị xây dựng để nạo vét các phần của bãi ngầm xung quanh đảo Trường Sa và phủ cát lên đó.”

“Quy trình này mất nhiều thời gian hơn nhưng ít gây hại tới môi trường hơn các phương pháp của Trung Quốc, trong đó sử dụng việc nạo vét theo quy mô công nghiệp và vùi chôn trong đất trên các cơ sở của họ trong quần đảo Trường Sa,” AMTI cho biết, nhưng cũng nói rằng các hoạt động của Việt Nam “vẫn gây hại cho các rạn san hô.”

Việc nâng cấp của Việt Nam bao gồm hoàn tất đường băng, việc xây dựng các cơ sở liên lạc và các kênh thoát nước.

“Dù có các yếu tố ngoại cảnh giữa lúc có những đàm phán và những căng thẳng cũng như mối hiểm họa bạo lực, thì dường như Hà Nội vẫn kiên trì mở rộng từng tí một các khả năng trên và xung quanh quần đảo Trường Sa,” AMTI nhận định.

Quần đảo Trường Sa là nơi có nhiều tranh chấp giữa các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2012, Việt Nam thông qua Luật Biển trong đó khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Điều này đã khiến Trung Quốc tức giận khi Bắc Kinh nói hai quần đảo này là lãnh thổ “không thể tranh cãi” của họ.

Trong năm 2018, Trung Quốc đã bước vào một “giai đoạn” mới của việc quân sự hóa Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa, với việc ngày càng tăng cường triển khai tàu bè và thiết bị quân sự tới khu vực biển có tranh chấp, theo giám đốc AMTI Greg Poling cho biết.

Khảo sát của AMTI còn cho biết rằng “Việt Nam không có ý định quân sự hóa các thực thể với quy mô lớn như của Trung Quốc.” AMTI cũng nói rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ sở được xây dựng để chứa các máy bay tấn công.” Thay vào đó, những nâng cấp của Hà Nội dường như hướng đến việc mở rộng khả năng theo dõi và tuần tra của họ trên vùng biển có tranh chấp và cải thiện các điều kiện cũng như đảm bảo rằng họ có thể tái cung ứng bằng đường không khi cần thiết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG