Đường dẫn truy cập

Cuộc chiến tranh ngầm giữa Nga với Mỹ


Cho tới nay, hai ông Vladimir Putin và Joe Biden vẫn có thể “giả bộ” như giữa Nga – Mỹ không hề có chiến tranh; nhưng sự thật không phải như vậy. Có thể nói trong hai tháng qua Tình báo Mỹ đã “tham chiến” dù không ai có mặt trên đất Ukraine.
Cho tới nay, hai ông Vladimir Putin và Joe Biden vẫn có thể “giả bộ” như giữa Nga – Mỹ không hề có chiến tranh; nhưng sự thật không phải như vậy. Có thể nói trong hai tháng qua Tình báo Mỹ đã “tham chiến” dù không ai có mặt trên đất Ukraine.

Mỹ với Nga đang tham dự một cuộc chiến, nhưng cả hai bên đều không thừa nhận. Vladimir Putin và Joe Biden đều giả bộ như không có gì; vì quân đội hai nước chưa công khai bắn nhau.

Mỹ với Nga đang tham dự một cuộc chiến, nhưng cả hai bên đều không thừa nhận. Vladimir Putin và Joe Biden đều giả bộ như không có gì; vì quân đội hai nước chưa công khai bắn nhau.

Ông Vladimir Putin có nói rằng khi NATO gửi vũ khí giúp Ukraine tức là gây chiến với Nga. Ông dọa sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói bóng gió đến Đại chiến Thứ Ba, đến bom nguyên tử, nhưng ai cũng hiểu đó là những lời nói suông. Ông Putin vẫn bán dầu lửa và khí đốt nếu có nước nào hỏi mua. Ba Lan đã gửi cho Ukraine cả máy bay và thiết giáp do Nga cung cấp thời còn chế độ cộng sản. Nga ngưng bán khí đốt, đe dọa, nhưng vẫn không dám đánh thẳng vào các địa điểm chuyển giao vũ khí các nước NATO cho Ukraine, nằm sát biên thùy Ba Lan.

Về phần Joe Biden, ông đã gọi ông Putin là một “tên sát nhân,” một “tội phạm chiến tranh,” rồi nâng lên hàng “đồ tể;” còn nói thẳng không nên để ông Putin ngồi yên nắm quyền. Nói như thế còn nặng nề hơn công khai tuyên chiến. Ví thử ông Biden tặng ông Tập Cận Bình những danh hiệu tương tự thì chắc Trung Cộng đã tuyệt giao với Mỹ và cho quân đội chuẩn bị sẵn sàng lâm chiến. Nhưng ông Putin chứng ông tỏ có một lớp da rất dầy, vẫn im lặng.

Khi một nước tấn công một nước khác, thì phải coi tất cả những ai giúp quân đối địch với mình là kẻ thù. Không đối đầu trong chiến tranh trực tiếp; nhưng nếu anh giúp một nước đang đánh nhau với tôi tức là anh đánh tôi. Trên thế giới ai cũng phải hiểu như vậy.

Hai phe đang tham dự một cuộc chơi “hiểu ngầm.” Joe Biden không dám công khai nói rằng mình đang đánh Nga. Vladimir Putin không dám nói rằng mình đang bị đánh.

Ngoại trưởng Nga Lavrov tố cáo các nước Tây phương đang “sử dụng” người Ukraine để đánh Nga. Nhưng ai cũng biết rằng quân Ukraine không tấn công nước Nga, họ chỉ tự vệ. Cho nên lời kết án đó vô nghĩa, không căn cứ.

Nga với Anh quốc cũng đang dự một “cuộc chiến giả bộ,” bên ngoài nói vậy mà bên trong không phải vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói rằng quân Ukraine có thể đánh vào các địa điểm trong nước Nga, dùng vũ khí do nước Anh viện trợ, đó là một thẩm quyền chính đáng. Sau đó nhân viên bộ Quốc phòng Anh phải “nói rõ hơn,” rằng nước Anh không can dự vào việc quân Ukraine chọn đánh chỗ nào. Nhưng minh xác như vậy cũng chỉ để tiếp tục “giả bộ” mà không nói thêm được gì cả.

Nga đã phản ứng, tuyên bố nếu vũ khí Anh, Mỹ bắn sang Nga thì sẽ leo thang, bắn hỏa tiễn vào đầu não Kyiv dù đang có các cố vấn nước khác ở đó. Câu này ám chỉ chuyến đi của hai ông bộ trưởng Mỹ, mới đến Kyiv chụp hình chung với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã quảng cáo trước mấy ngày, hầu như báo trước cho Nga biết, rằng họ sắp tới Kyiv. Nga hiểu, và không đụng tới Kyiv trong những ngày giờ đó. Nếu công nhận đang lâm chiến với Mỹ thì Nga đâu cần phải lo mình bắn trúng hai vị bộ trưởng, hai người chủ yếu trong chính sách chiến tranh của Mỹ?

Trong khối NATO, Anh và Mỹ chống Nga mạnh nhất. Các nước Pháp, Đức, Hòa Lan, cho đến Lithuania đều gửi vũ khí giúp Ukraine nhưng chỉ tượng trưng, Anh và Mỹ giúp nhiều loại nguy hiểm và có hiệu quả nhất. Nhưng gíup vũ khí chỉ là “viện trợ mặt nổi.” Quan trọng hơn nữa, Anh Mỹ còn cung cấp các tin tức tình báo cho quân đội Ukraine. Công tác “viện trợ chìm” này đã bắt đầu trước khi quân Nga tấn công. Tháng Giêng năm 2022, Giám đốc CIA William Burns đã gặp Tổng thống Zelensky ở Kyiv. Ông báo cáo trước quốc hội Mỹ rằng “Chúng ta chia sẻ các tin tức tình báo chi tiết tỉ mỉ về kế hoạch đánh Kyiv của Nga.”

Trước đó, CIA đã hợp tác với tình báo Ukraine, sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea năm 2014. Công tác đầu tiên trong mấy năm trời, là tìm ra những gián điệp nằm vùng của Nga. Bởi vì trong thời còn chế độ cộng sản mọi thứ ở Ukraine nằm trong hệ thống tương đương của Liên bang Xô viết. Tới năm 2022, tin rằng Tình báo Ukraine đã thanh lọc xong, Mỹ bắt đầu trao cho Ukraine chi tiết về các kế hoạch hành quân, các cuộc điều động và đường đi nước bước của quân Nga. Những tin tức đó có thể chuyển ngay tức thời mà không sợ tiết lộ nguồn tin của CIA.

Tôn Tử nói, “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng.” Tình báo Anh, nhất là Mỹ, đã giúp quân đội Ukraine “biết người” trong cuộc chiến hơn hai tháng qua.

Ngay trong ngày đầu tiên, Ukraine đã bắn hạ một máy bay chở mấy trăm lính biệt kích dù Nga ở phi trường Hostomel gần Kyiv, phá vỡ kế hoạch chiếm phi trường để đổ quân lính, vũ khí và các chiến cụ rồi tấn công vào đầu não chính phủ.

Ai cũng biết rằng quân đội Ukraine yếu hơn Nga về mọi mặt; thua kém nhất là không quân. Trước ngày Nga tấn công, nhân viên quân sự Mỹ đã quan sát hệ thống phòng không của Ukraine. Họ đề nghị mỗi ngày di chuyển các máy bay, phân tán các hàng súng và hỏa tiễn ở phi trường. Theo tin NBC News, nhờ tin tình báo của Mỹ cho biết trước các cuộc không tập của Nga, nhiều máy bay và hệ thống phòng không đã được di chuyển ngay trước khi bị máy bay Nga tấn công. Máy bay Nga đã đánh vào những phi trường bỏ trống. Không lực Ukraine bớt thiệt hại, giúp bộ binh không bị máy bay Nga đánh, và bảo vệ được không phận.

Các cuộc chuyển quân của Nga, các địa điểm quy tụ máy bay hoặc thiết giáp Nga cũng được vệ tinh của các công ty tư thu lượm và phổ biến trên mạng. Quân đội Ukraine đã sử dụng các tin tức công khai này. Ngoài ra, họ cũng nghe lén các cuộc điện thoại trong quân đội Nga, vì Nga vẫn còn dùng các dụng cụ từ thời xưa. Binh sĩ Nga khi có dịp cướp được những điện thoại di động của thường dân bị họ giết, vẫn coi là một chiến lợi phẩm quý báu! Các cậu gọi ngay điện thoại cho gia đình, bất chấp lệnh cấp trên. Tám viên tướng Nga đã tử trận, nhiều người gọi điện thoại, để lộ vị trí cho pháo binh, máy bay hay drones của Ukraine nhắm bắn. Máy bay thám thính Mỹ và Anh theo dõi các cuộc chuyển quân của Nga, biết rõ đơn vị nào đang đi tới đâu, báo cho pháo binh và các drones của Ukraine biết các mục tiêu tấn công, với các tọa độ chính xác.

Theo NBC News, trong những tháng đầu, các luật sư thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và CIA đã ấn định loại tin tức nào có thể cung cấp cho Ukraine. Các tin tức bị giới hạn để Mỹ tránh không bị lên án là tham gia cuộc chiến. Chỉ thị đầu tiên không cho phép tiết lộ các mục tiêu tấn công để giúp quân Ukraine tái chiếm các vùng bị quân Nga cướp, và không được giúp Ukraine tấn công quân Nga ở Crimea cũng như trong vùng Dobas với hai chính quyền ly khai đã được Puitn công nhận.

Nhưng sau một thời gian, chiến tranh tàn bạo hơn, với các hành động giết hại thường dân của lính Nga, các cuộc pháo kích vào khu dân cư, từ tháng Tư Ủy ban An ninh Quốc gia trong chính phủ Mỹ đã xóa bỏ một số giới hạn này; cũng vì các đại biểu quốc hội Mỹ yêu cầu.

Ngoài ra, CIA đã đặc biệt giúp Ukraine bảo vệ Tổng thống Zelensky từ khi ông quyết liệt tử thủ ở Kyiv, từ chối không để Mỹ đưa ra khỏi thủ đô. Nga đã có kế hoạch ám sát ông Zelensky. Tình báo Mỹ và Ukraine đã thay đổi chỗ ông Zelensky ở hàng ngày, bảo đảm ông không ở cùng một chỗ với các tướng lãnh và những người trong bộ tham mưu.

Cho tới nay, hai ông Vladimir Putin và Joe Biden vẫn có thể “giả bộ” như giữa Nga – Mỹ không hề có chiến tranh; nhưng sự thật không phải như vậy. Có thể nói trong hai tháng qua Tình báo Mỹ đã “tham chiến” dù không ai có mặt trên đất Ukraine.

Mỹ đã giúp quân đội Ukraine đứng vững và lật ngược thế cờ với các tin tình báo, nhờ hệ thống các vệ tinh nhân tạo, các máy bay thám thính, và các nguồn cung cấp khác. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là khả năng sử dụng các thông tin một cách nhanh chóng, quyết liệt, nhờ tinh thần chiến đấu “Cosack” dũng cảm của dân và quân Ukraine.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG