Theo báo chí Việt Nam, tại một cuộc gặp hôm 4/8 với Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong, nhiều cử tri xã ven biển Bình Thạnh của tỉnh Bình Thuận đề nghị không xây chung cư cho công nhân Trung Quốc ở xã này, đồng thời nêu ra mối lo rằng có thể sẽ xảy ra tình trạng công nhân Trung Quốc ồ ạt lấy vợ là các cô gái địa phương.
Các công nhân Trung Quốc mà người dân địa phương nói đến là những người tham gia xây dựng các nhà máy nhiệt điện ở xã Vĩnh Tân trong tỉnh.
Báo chí không tường thuật ông Phong, người cũng giữ chức Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản, đã trả lời cử tri như thế nào về vấn đề này. Ông Dương Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Phong, nói với các cử tri tại cuộc họp rằng việc thành lập các chung cư cho công nhân Trung Quốc tại xã Bình Thạnh “là chính sách của tỉnh”.
Ông Sơn nói hiện nay tỉnh đã “khởi sự công trình nhà chung cư của công nhân, chuyên gia Trung Quốc”. Về mối lo ngại của người dân đối với tình trạng các cô gái địa phương lấy chồng là công nhân Trung Quốc, ông Sơn nói “nếu có thì cũng phải tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam”.
Mối lo về những công nhân Trung Quốc đổ vào Việt Nam với số lượng lớn không phải là mới. Đặc biệt trong hai năm trở lại đây, báo chí trong nước đã có nhiều bài viết về những vấn đề xã hội lẫn an ninh xảy ra do hàng nghìn người lao động Trung Quốc, cả có giấy phép lẫn bất hợp pháp, đổ vào nhiều tỉnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Việt Nam, nói với VOA rằng việc cử tri lên tiếng với đại biểu Quốc hội về công nhân Trung Quốc cho thấy mối quan ngại đã trở nên đáng chú ý hơn:
“Khi mà vấn đề này được cử tri đặt ra với đại biểu Quốc hội, nó cũng đã bắt đầu là mối quan ngại của người dân địa phương. Nó đã vượt qua khỏi những mối quan tâm về những xung đột cá nhân lẻ tẻ”.
Tiến sỹ Hồng phân tích rằng có 3 vấn đề làm người dân lo lắng ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, nơi đang có nhiều lao động nam giới Trung Quốc sinh sống.
Vấn đề thứ nhất là tâm lý cố hữu của đàn ông địa phương không muốn thấy phụ nữ địa phương kết hôn với người ở nơi khác. Thứ hai là trong hai thập kỷ trở lại đây hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc và người các nước khác cũng gây ra những mối lo.
Song bà Hồng nói vấn đề thứ ba rất đáng quan tâm là sự mất cân bằng giới tính ở Việt Nam sẽ càng trầm trọng thêm nếu xảy ra tình trạng đông đảo công nhân Trung Quốc lấy vợ Việt. Bà nói:
“Theo dự báo của Tổng cục Dân số, cũng như Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, trong vòng hai, ba chục năm nữa, Việt Nam có thể dư thừa từ 2, 3 đến 4 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn không thể tìm bạn đời vì thiếu phụ nữ”.
Hiện không có con số thống kê đầy đủ về tổng số lao động người Trung Quốc ở Việt Nam. Báo chí Việt Nam ước tính có hàng chục ngàn người Trung Quốc đang sinh sống, làm việc ở nhiều tỉnh, cả có giấy tờ hợp pháp lẫn không có giấy tờ.