Đường dẫn truy cập

Chúng ta cùng trong một nhà


Chúng ta cùng trong một nhà
Chúng ta cùng trong một nhà

Từ sau sự kiện ngày 26 tháng 5, 2011, khi Trung Quốc đưa tàu hải quân đe dọa tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Petro Việt Nam và sử dụng thiết bị cắt cáp thăm dò của tàu này trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làn sóng dư luận trong và ngoài nước dâng lên ngày càng mạnh mẽ. Theo tin do nhiều hãng thông tấn báo chí đăng tải, có vẻ như các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc ở trong và ngoài nước đang được chuẩn bị thực hiện.

Điều này gợi nhớ đến sự kiện thảm sát ở Vịnh Bắc Bộ vào ngày 8 tháng 1 năm 2005. Khi đó cảnh sát biển Trung Quốc xả súng tấn công ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng đánh cá chung của Vịnh Bắc Bộ do Việt Nam và Trung Quốc lập ra theo Hiệp định hợp tác nghề cá giữa VN-TQ trong vịnh Bắc bộ. 9 ngư dân vô tội của Việt Nam bị thiệt mạng trong vụ thảm sát này.

Ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 2005, làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc cũng được dịp bùng phát mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, chúng tôi, những người cổ súy cho phong trào phản đối bất bạo động đã có hai bài viết quan trọng thể hiện lập trường của mình. Cả hai bài viết đều do người bạn thân của chúng tôi là anh Nguyễn An Nguyên, nay là Tiến sỹ kinh tế đang làm việc cho ngân hàng Barclay ở New York, chấp bút. Nay xin giới thiệu lại với bạn đọc, tạm coi như một món quà gửi tới tất cả đồng bào trong và ngoài nước – những người có lòng với đất nước và đang dõi theo sự kiện tàu Bình Minh 02.

Bài số 1: Chúng ta cùng trong một nhà
Nguyễn An Nguyên

Một thảm họa luôn ẩn chứa cơ may, nếu như con người có tấm lòng rộng mở để nhìn thấy cơ may trong đó. Vụ thảm sát Vịnh Bắc Bộ cũng đưa tới những cơ may, nếu tất cả người Việt chúng ta cùng có tấm lòng rộng mở. Chúng tôi đã thấy những dấu hiệu của một cơ may đang đến từ hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi đến biendong.org. Qua những lời cảm thông sâu sắc, đồng bào trong nước ấm lòng vì đồng bào ở nước ngoài đang cùng đau xót và phẫn nộ với mình, cùng lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Và đồng bào ở nước ngoài tin tưởng vì những hành động của mình đã được đồng bào trong nước biết tới và chia sẻ.

Cuộc biểu tình đồng loạt của người Việt sẽ diễn ra trên toàn thế giới vào dịp cuối tuần từ 28-30 tháng 1 [năm 2005] này sẽ là phép thử lớn cho tất cả chúng ta. Phép thử ấy là: liệu người Việt có thể gác những mâu thuẫn của họ để cho thế giới thấy rằng họ có cùng tiếng nói hay không?

Chúng ta biết có hai mối lo mà người Việt đang phải đối mặt: bất đồng trong chính kiếnchia ly trong lòng người. Chúng ta biết để hàn gắn những bất đồng trong chính kiến sẽ mất một khoảng thời gian. Nhưng chúng ta cũng biết rằng mọi bất đồng ý kiến của ta đều là những mối bất hòa của anh em trong cùng một nhà. Chừng nào chúng ta còn là người Việt, còn yêu người Việt, thì bất đồng ấy sẽ được giải quyết. Và vì thế, mọi bất đồng trong tư tưởng giữa người Việt là ngắn hạn.

Sự chia li trong lòng người đáng sợ hơn thế, vì nó làm tan biến những cố gắng cùng ngồi lại và tìm giải pháp cho những bất đồng trong tư tưởng. Nó làm người Việt xa nhau vĩnh viễn. Vì thế, chia li trong tâm hồn là mối lo dài hạn. Hai sự chia cắt này cứ dồn đẩy nhau, vì bất đồng trong chính kiến mà ta tự ngăn ta xích lại trong tình cảm, và sự xa lìa về tình cảm lại ngăn ta tìm đến chỗ dung hợp của lí trí.

Nhưng giờ đây, chúng ta đang ở trước một cơ may hiếm có. Trong lòng người Việt khắp năm châu lúc này, lên tiếng phản đối bạo lực đều bắt đầu từ một nguồn mạch chung: đạo nghĩa yêu nước thương nòi. Chúng ta đã một lần nữa vượt lên được chia li trong lòng người. Vậy thì những bất đồng chính kiến ngắn hạn kia có đáng để ta bỏ qua cơ hội này không?

Chúng ta tin rằng người Việt sẽ biết tạm bỏ qua những bất đồng ngắn hạn để đạt được lợi ích dài hạn. Chúng ta sẽ không làm cho thế giới phải thất vọng và không để người Trung Quốc có cơ hội chế nhạo, vì trong một phong trào lương tri rộng khắp từ trong ra ngoài nước lại có nhiều tiếng nói bài bác nhau.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG