Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye – PCA ra phán quyết lịch sử hôm thứ Ba 12/7, bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi “đường lưỡi bò 9 khúc” trong Biển Đông, mọi sự chú ý đều đổ dồn về Tòa án này, toạ lạc trong Cung điện Hòa bình ở thủ đô của Hà Lan.
Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye – gọi tắt là PCA- toạ lạc tại Cung điện Hòa bình ở thành phố La Haye của Hà Lan, đây là định chế liên chính phủ lâu đời nhất được dùng làm nơi hòa giải các cuộc tranh chấp quốc tế qua trung gian của Tòa án trọng tài và “các phương tiện hòa bình khác.”
Được dùng làm trụ sở của hai Tòa án quốc tế là Tòa Án Luật Quốc Tế (International Court of Justice), và Tòa Án Hòa Giải Thường Trực (Permanent Court of Arbitration), nên Cung điện Hòa bình thường được gọi ngắn gọn là ‘trụ sở của luật pháp quốc tế’.
Ý kiến xây dựng Cung điện Hòa bình manh nha trong một cuộc trao đổi giữa hai nhà ngoại giao, một người Nga và một người Mỹ vào năm 1900. Nhà ngoại giao Nga Friedrick Martens và nhà ngoại giao Mỹ Andrew Dickson White thảo luận với nhau về nỗ lực tìm một trụ sở cho một Tòa án Trọng tài quốc tế. Ông White liên lạc với Andrew Carnegie, một nhà tư bản Mỹ. Thoạt tiên, ông Carnegie chỉ muốn đóng góp tiền bạc để xây một thư viện về luật pháp quốc tế, nhưng sau đó ông White thuyết phục được ông Carnegie khi ông mô tả viễn kiến của ông về Cung điện Hòa bình, trong một bức thư đề ngày 5 tháng 8, 1902.
Nhà ngoại giao White viết:
“Đây sẽ là một đền thờ cho hòa bình, nơi mà các cánh cửa, khác với đền Janus, sẽ mở rộng trong thời bình và đóng trong thời chiến”.
Ông White nói sau nhiều thiên niên kỷ, thế giới xứng đáng được chứng kiến một Tòa án mở cửa để giải quyết hòa bình những sự khác biệt giữa nhân dân các nước.
Năm 1903, ông Carnegie hiến tặng 1 triệu rưỡi đôla để thiết lập tòa án và thư viện luật pháp quốc tế.
Lễ đặt viên đá đầu tiên được cử hành vào năm 1907 trong khi diễn ra Hội nghị quốc tế lần Hai ở La Haye. Dự án khởi công vài tháng sau đó và ngày 28 Tháng Tám, 1913, lễ khánh thành Cung điện Hòa bình được long trọng tổ chức với sự hiện diện của vị mạnh thường quân Mỹ Andrew Carnegie, và nhiều nhân vật quan trọng khác.
Tòa nhà do kiến trúc sư người Pháp Luois Cordonnier thiết kế với kinh phí 1.5 triệu đô la Mỹ. Trang trí nội thất do nhiều quốc gia góp. Các bình quý từ Trung Quốc, Hungary, Ba Lan; tượng điêu khắc đến từ Hoa Kỳ; gỗ, đá từ Brazil, Indonesia và Hoa Kỳ; cẩm thạch từ Ý; thảm từ Thổ Nhĩ Kỳ… Hà Lan tặng một đài phun nước, Nga tặng một bình quý nặng hơn 3,2 tấn, Bỉ cung cấp cửa, Nhật Bản tặng thảm trải phòng, Thuỵ sĩ tặng chiếc đồng hồ treo trên Tòa tháp cao, Iran cung cấp thảm Ba Tư, tặng gỗ …
Cung điện Hòa bình còn được trang hoàng với nhiều tác phẩm điêu khắc, kể cả các tượng bán thân và tranh vẽ chân dung những người có công đấu tranh cho hòa bình trên khắp thế giới và ở mọi thời đại.
Sau đây là một số những điều cần biết về Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc
Tòa án Trọng tài Thường trực được hình thành vào cuối thế kỷ thứ 19. Hội nghị hòa bình La Haye đầu tiên do Sa hoàng Nicolas II triệu tập vào năm 1899 với sự tham dự của 26 quốc gia. Được mang ra bàn thảo luận tại hội nghị này là các hiệp ước, thỏa thuận đặc biệt và các hiệp định đa dạng tương tự như những hiệp định do Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Luật Giao thương Quốc tế- gọi tắt là UNCITRAL, và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển – UNCLOS, để phân xử các vụ tranh chấp giữa các nước.
Tòa án trọng tài quốc tế còn hiện diện thường trực trên đảo Mauritius và có thể thiết lập các phiên Tòa để phân xử các vụ tranh chấp khác nhau trên khắp thế giới.
Những ca phân xử đáng chú ý
Các Tòa án trọng tài thường trực đã công bố hơn 70 phán quyết để giải quyết các vụ tranh chấp trong quá khứ, và hiện Tòa đang xem xét 116 ca. Những ca phân xử hồi gần đây gồm có các phán quyết về cuộc tranh chấp ranh giới đầy cay đắng giữa Eritrea và Ethiopia, và một phán quyết có lợi cho đảo quốc Mauritius trong Ấn độ Dương trong cuộc tranh chấp với vương quốc Anh về chủ quyền một khu lãnh hải được bảo vệ trong quần đảo Chagos. Trong một vụ án khác, Ấn độ được bật đèn xanh để xây một dự án thuỷ điện trên Sông Kishenganga sau một vụ tranh chấp với Pakistan, vốn lo ngại về tác động cuả dự án này đối với các nguồn nước ở hạ nguồn.
Liệu PCA có phải là một Tòa án đúng nghĩa?
Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye – PCA, không phải là một Tòa án theo nghĩa truyền thống của nó, với sự chủ trì của các vị thẩm phán là những người sẽ ra phán quyết để giàn xếp các vụ tranh chấp. Thay vào đó, Tòa án thường trực gồm một loạt các Tòa án trọng tài được thiết lập để xử một ca tố tụng duy nhất.
Các phiên Tòa không mở cho công chúng hoặc các nhà báo vào xem, trừ phi cả hai bên tranh cãi đều đồng ý.
Tòa làm việc thế nào?
Khi các nỗ lực ngoại giao thất bại, không giải quyết được tranh chấp giữa hai nước, các nước này có thể quay sang Tòa án quốc tế để yêu cầu xét xử thông qua Tòa trọng tài.
Một khi tiến trình tố tụng đã khởi sự, một Tòa án trọng tài sẽ được thiết lập, bao gồm 1, 3 hay 5 thành viên. Trong vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền trong phạm vi ‘đường lưỡi bò 9 khúc’ ở Biển Đông, một uỷ ban 5 người đã được bổ nhiệm. Đứng đầu uỷ ban là Thẩm phán Thomas A. Mensah, sinh quán ở Ghana.
Liệu phán quyết của Tòa án Thường trực có tính ràng buộc pháp lý?
Tất cả mọi phán quyết của Tòa đều có tính ràng buộc pháp lý đối với tất cả các bên liên quan trong vụ tranh chấp, và phải được thực hiện ngay lập tức.
Hiện có một số thủ tục sau phán quyết để các bên không hài lòng với phán quyết của Tòa án, tuy nhiên các thủ tục này chỉ hạn chế, đặc biệt trong các cuộc tranh chấp giữa các nước.
Các chuyên gia cho rằng thực thi phán quyết là “gót chân Achilles”, tức là yếu huyệt của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên các nước làm ngơ hoặc có thái độ bất chấp trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye , sẽ đánh mất uy tín, thanh danh bị tổn hại, và cuối cùng, sẽ thua thiệt trước cái gọi là “Tòa án công luận thế giới”.