Đường dẫn truy cập

Cuộc chuyển giao quyền lực ở Bắc Triều Tiên đã hoàn tất


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un
Một bản phúc trình về Bắc Triều Tiên do Nhóm Khủng hoảng Quốc tế công bố ngày hôm nay kết luận rằng cuộc chuyển giao quyền lực cho ông Kim Jong Un đã hoàn tất. Phúc trình của tổ chức nghiên cứu độc lập này cũng dự báo rằng triển vọng cải cách ở Bắc Triều Tiên khá u ám và nhân vật lãnh đạo trẻ tuổi này có thể sẽ nắm quyền rất lâu trong lúc kho vũ khí hạt nhân mỗi ngày một lớn. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài chúng tôi gởi về bào tường thuật sau đây.

Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng tuy một nhân vật cấp cao trong quân đội Bắc Triều Tiên đã bị cách chức hồi gần đây nhưng không có dấu hiệu rõ ràng nào về một âm mưu nhằm lật đổ tân lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un.

Trong vài ngày qua, truyền thông ở Nam Triều Tiên và các nơi khác trích dẫn những nguồn tin không nêu danh tánh nói rằng một cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra ở Bình Nhưỡng.

Có tin cho hay một vụ chạm súng đã xảy ra trong lúc Phó Thống chế Ri Yong Ho bị cách chức hôm 16 tháng 7. Tờ Dong-A Ilbo ở Seoul cho biết ông Ri Yong Ho, nguyên Tổng tham mưu trưỏng quân đội, đã bị thanh trừng sau khi người ta nghe thấy trong một đoạn băng ghi âm những lời chỉ trích của ông đối với kế hoạch của ông Kim Jong Un nhằm mở cửa quốc gia bị cô lập này.

Giáo sư Daniel Pinkston, tác giả chính của bản phúc trình của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho đài VOA biết rằng thân phụ của ông Kim Jong Un đã thực hiện những nỗ lực đáng kể để bảo đảm cho con trai ông giữ vững quyền lực.

Giáo sư Pinkston nói: "Ông Kim Jong Un vẫn nắm vững quyền lực trong tay bất chấp việc Phó Thống chế Ri Yong Ho bị thanh trừng. Và tôi tin rằng chướng ngại đối với một hành động tập thể để chống lại ông Kim Jong Un và gia đình họ Kim là một chướng ngại rất lớn. Chúng tôi không nhận thấy có những sự thay đổi đáng kể về chính sách của Bắc Triều Tiên trong tương lai gần."

Nhiều người tin rằng các giới chức chính trị và quân sự cấp cao ở Bình Nhưỡng đang nắm trong tay những hoạt động kinh doanh béo bở trong nền kinh tế do nhà nước kiểm soát. Ông Pinkston cho biết một số giới chức đang thụ hưởng rất nhiều lợi lộc và ông Kim Jong Un đang tìm cách cân bằng việc dành những cơ hội cho một liên minh mới của những người ủng hộ trong lúc tiếp tục tranh thủ sự hậu thuẫn của một số nhân vật thuộc thế hệ của thân phụ ông.

Ông Pinkston nói: "Quí vị có thể hình dung những vụ đấu đá hoặc tranh giành trong nội bộ đối với quyền sở hữu tài sản và quyền tiếp cận các nguồn lực. Và đó rất có thể là điều đã xảy ra cho ông Ri Yong Ho. Có lẽ ông Kim Jong Un và ông Ri Yong Ho đã cãi cọ với nhau về vấn đề nguồn lực và cách thức chia chác những nguồn lực này hoặc về những hoạt động kinh doanh nào mà ông Ri muốn nắm. Hoặc giả ông ấy đã quá tham lam và muốn có thêm những ngân khoản phụ trội."

Ông Pinkston và các nhà phân tích khác cho rằng mặc dù có những lời đồn đoán về sự bất đồng ý kiến về đường lối chính sách hoặc thậm chí về một cuộc tranh giành quyền lực ở Bắc Triều Tiên, nhưng việc này chưa có bằng chứng cụ thể nào cả.

Phúc trình của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế kết luận rằng “triển vọng cải cách” ở Bắc Triều Tiên khá u ám. Ông Pinkston cho biết những sự kiện rời rạc ở Bình Nhưỡng không đủ để hậu thuẫn cho nhận định là Bắc Triều Tiên đang bắt đầu thay đổi.

Ông Pinkston cho biết: "Những sự thay đổi đơn giản không đồng nghĩa với cải cách. Theo tôi, cải cách có nghĩa là thay đổi cách thức cai trị, thay đổi các định chế, lệ thuộc nhiều hơn vào thị trường để phân bổ nguồn lực. Nó có nghĩa là tiến tới chế độ pháp trị, trao quyền cho các doanh nghiệp và người dân để họ có thể tham gia thị trường và tiến hành những hoạt động kinh doanh. Chúg tôi chưa nhận thấy những việc đó xảy ra ở Bắc Triều Tiên."

Một nguồn tin tình báo Tây phương cho đài VOA biết rằng tuy chưa có chỉ dấu về sự thay đổi cơ bản nhưng những sự kiện lý thú đang diễn ra ở Bình Nhưỡng hầu như mỗi ngày. Những sự kiện này bao gồm việc thuyên chuyển những giới chức cấp cao và những hành động nhằm đề cao uy tín của nhân vật lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, và việc lập lại những lời chỉ trích gay gắt đối với Tổng thống Lee Myung Bak của Nam Triều Tiên.

Một mối quan tâm chính của cộng đồng tình báo là Bình Nhưỡng sẽ tập trung nỗ lực để giải quyết các vấn đề nội bộ hay là lại tìm cách tạo ra một vụ khủng hoảng bên ngoài, chẳng hạn như một vụ gây hấn quân sự, một vụ thử nghiệm phi đạn dưới bình phong phóng vệ tinh, hay là một vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất, để nâng cao uy tín của ông Kim Jong Un.

Giáo sư Pinkston cho biết thêm: "Nếu giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, và đặc biệt là ông Kim Jong Un, nghĩ rằng những người xung quanh ông cho rằng ông là người nhu nhược và ông cảm thấy cần phải chứng tỏ sức mạnh của mình, thì Bắc Triều Tiên có thể tìm cách thực hiện một vụ khiêu khích quân sự. Và họ có thể làm như vậy nếu họ tin rằng điều đó có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống ở Nam Triều Tiên theo chiều hướng có lợi cho họ."

Cử tri Nam Triều Tiên sẽ đi bầu vào tháng 12 tới đây để chọn người lên thay cho Tổng thống Lee Myung Bak. Hiến pháp hiện hành ở Nam Triều Tiên qui định tổng thống chỉ được nắm quyền trong một nhiệm kỳ 5 năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG