Hôm 28/9, Liên minh Quan sát Quốc tế Formosa được sự bảo trợ của các dân biểu Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi vận động tại Quốc hội nhằm tìm công lý cho các nạn nhân trong thảm họa môi trường Formosa tại Việt Nam.
Dân biểu Zoe Lofgren, đại diện cho khu vực bầu cử ở San Jose, bang California, phát biểu khai mạc tại buổi vận động được trang Disaster STS phát trực tiếp trên YouTube:
“Đây tất nhiên không chỉ là vấn đề môi trường, không chỉ là vấn đề kinh tế, mà tôi nghĩ còn là vấn đề nhân quyền. Chúng ta không thể chịu đựng được sự thiếu công bằng khi gặp phải tình huống này. Hoa Kỳ và Đài Loan cần buộc những người chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm về hành động của họ”.
Cuộc vận động này tại Quốc hội diễn ra sau khi 7 dân biểu Mỹ vào tháng 11 năm ngoái gửi một bức thư chung đề nghị các quan chức cao cấp của Đài Loan tạo điều kiện thuận lợi cho hồ sơ khiếu kiện của gần 8.000 nạn nhân trong thảm họa môi trường do công ty thép Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Buổi vận động nêu lên các thách thức mà cộng đồng Việt Nam đang phải đối mặt sau khi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty chi nhánh của Tập đoàn Formosa Plastics gây ra vào năm 2016 tại các tỉnh miền trung của Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho đời sống biển cả và làm hủy hoại cuộc sống của hơn 179.000 cư dân.
Tính đến nay, còn có hàng ngàn nạn nhân không được bồi thường mặc dù Formosa đã trả trực tiếp 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam trong khi nhiều người theo dõi vụ việc, biểu tình hoặc tiến hành hành động pháp lý đã bị chính quyền bắt giữ trái phép, và gần 8.000 nạn nhân đã nộp đơn kiện tại Đài Loan, theo thông cáo của Liên minh Quan sát Quốc tế Formosa (IMFA).
“Tôi nghĩ rằng ở bang nhà Texas của tôi, cũng như bang Louisiana, bang Delaware, và tất nhiên ở Đài Loan và Việt Nam, chúng tôi đã nhận thấy tác động của Formosa Plastics. Họ đã gây ra đau khổ cho con người, nghề cá, cộng đồng và chắc chắn là môi trường của chúng ta”, Dân biểu Lloyd Doggett nói.
Dân biểu Doggett nói thêm rằng các ngư dân ở Việt Nam nên được đền bù xứng đáng như những ngư dân quanh Vịnh Lacca ở Texas được đền bù sau vụ công ty Formosa ở đây nộp phạt 50 triệu đôla do đã xả thải tràn lan và bất hợp pháp các chất gây ô nhiễm, các hạt nhựa.
Bà Nancy Bùi, đồng sáng lập IMFA, đồng thời là người sáng lập tổ chức Công lý cho nạn nhân Formosa, nói với VOA về mục đích của buổi vận động:
“Chúng tôi giúp nạn nhân kiện 24 công ty Formosa, nhóm công ty lập nên công ty Gang thép Formosa Hà Tĩnh. Tòa Đài Loan đã nhận đơn kiện đối với 13 công ty và họ gạt ra 11 công ty. Trong số 11 công ty này thì có ít nhất 3 công ty tại Hoa Kỳ.
“Sau khi làm việc với tòa án Đài Loan, chúng tôi tiếp làm việc chuẩn bị cho việc khởi kiện tại Hoa Kỳ. Chính vì lý do này, chúng tôi có buổi điều trần tại Quốc hội để mong Quốc hội can thiệp, biết rằng tòa án Mỹ rất độc lập với hành pháp và lập pháp, tuy nhiên việc vận động tại Quốc hội cũng đem lại thuận lợi cho người dân, bởi vì các vấn đề về thủ tục có thể được họ chú ý và quan tâm”.
Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, người sang Mỹ tị nạn cách nay 3 tháng, phát biểu rằng nhiều người lên tiếng vì thảm họa Formosa đã bị chính quyền Việt Nam giam cầm dài hạn, trong số này có những thân chủ của ông như nhà hoạt động Lê Đình Lượng, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, blogger Nguyễn Lân Thắng.
Tập đoàn Formosa Plastics và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA đề cuộc vận động này.
Trong một lá thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden trước chuyến thăm Hà Nội vào đầu tháng này, các nhà hoạt động thuộc liên minh IMFA kêu gọi chính quyền Mỹ nhận thức về việc các nạn nhân của thảm họa này chưa được đền bù thỏa đáng.
Bà Paloma Henriques, nhà vận động hóa dầu cấp cao thuộc tổ chức Friends of the Earth, cho biết trong một thông báo: “Formosa Plastics và chính phủ Việt Nam đã né tránh trách nhiệm quá lâu”, đồng thời hối thúc ông Biden vận động cho các nạn nhân của thảm họa sinh thái và nhân quyền này. Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa có hồi đáp.
Diễn đàn