Đường dẫn truy cập

Cuộc vận động ủng hộ người điếc trên khắp thế giới


Cô Rue Winiarzyk tại trường Đại học Gallaudet ở Washington, D.C., đại học duy nhất tập trung vào giáo dục cho người điếc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cô Rue Winiarzyk tại trường Đại học Gallaudet ở Washington, D.C., đại học duy nhất tập trung vào giáo dục cho người điếc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo ước tính, có khoảng 360 triệu người điếc trên toàn thế giới. Cô Rue Winiarzyk là một người trong số đó. Sinh ra và lớn lên ở Canada, cô có được mọi sự thuận lợi khi sống trong một xã hội đã quen đáp ứng các nhu cầu mà những công dân khuyết tật của họ cần. Cô đến trường học dành cho người điếc, giao tiếp với bạn bè và các bậc phụ huynh điếc bằng ngôn ngữ kỹ hiệu (NNKH). Tuy nhiên, cô sớm nhận ra rằng những điều đó khác xa với thực tế mà rất nhiều người điếc khác trên khắp thế giới phải đối mặt, và cô đã lấy điều đó làm động lực để giúp đỡ họ thay đổi cuộc đời.

please wait

No media source currently available

0:00 0:06:09 0:00
Tải xuống

Khi tới Panaman cô Rue Winiarzyk tròn 20 tuổi. Cô đã chờ đợi sẽ gặp những cú sốc văn hóa, nhưng không chờ đợi sẽ vấp phải những thiếu thốn dịch vụ dành cho người điếc mà cô đã từng coi là lẽ đương nhiên. Một thông dịch viên NNKH giúp cô Winiarzyk nói chuyện với chúng tôi:

“Tôi rời Canada bởi vì tôi muốn khám phá thế giới. Trong quãng thời gian ở Panama, tôi đã gặp một vài người điếc ở đó. Tại cộng đồng nơi tôi ghé thăm, dịch vụ thông dịch cho người điếc là rất hiếm. Ví dụ như hiện giờ tôi đang nói chuyện qua video với sự trợ giúp của một thông dịch viên chuyên môn. Cơ hội mà chúng ta có ở đây, ở nước Mỹ này, là điều mà các quốc gia khác chưa chắc đã có.”

Cô Winiarzyk cũng nhận thấy rất nhiều người trong cộng đồng người điếc ở Panama không biết được các quyền lợi cơ bản của mình. Nhiều người điếc tin rằng việc họ bị khuyết tật là một sự trừng phạt siêu nhiên và họ chấp nhận bị gạt ra bên lề xã hội.

Chuyến đi vào năm 2000 đó của cô Winiarzyk đã định hình cho tương lai của cô. Khi trở về Hoa Kỳ, cô đã theo học tại trường đại học Gallaudet, trường đại học duy nhất tập trung cụ thể vào việc giáo dục cho người điếc - và cô đã đăng ký vào chương trình Phát triển Quốc tế tại đây.

Phó giáo sư Amy Wilson, người điều phối chương trình phát triển này đã cho biết:

“Chương trình này là để giúp mọi người chuẩn bị cho việc ra nước ngoài và học cách làm thế nào để những người khuyết tật hòa nhập được trong công việc hay trường học. Tương tự như với người điếc, làm cách nào mà bạn có thể giúp người điếc hiểu được ngôn ngữ của chính họ một cách tốt hơn.”

Bà Wilson nói thêm:

Cô Rue Winiarzyk làm việc với một thông dịch viên cho người điếc ở Argentina. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cô Rue Winiarzyk làm việc với một thông dịch viên cho người điếc ở Argentina. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Các sinh viên tham dự các khóa học trong hai năm. Trong hai học kỳ, họ sẽ tham gia thực tập tại một tổ chức phát triển tự chọn ở DC, sau đó họ sẽ có trải nghiệm thứ hai ở nước ngoài.”

Cô Rue Winiarzyk đã tới Kuala Lumpur để làm việc với Hiệp hội Điếc Malaysia. Cô cho biết:

“Tôi đã làm một bản đánh giá các nhu cầu mà họ cần và những thách thức họ gặp phải là gì. Chúng tôi đã phỏng vấn các bậc phụ huynh có con cái điếc, giáo viên có học sinh điếc, và bản thân những người trưởng thành điếc. Chúng tôi đã thu thập tất cả các dữ liệu. Có tất cả khoảng 80 thông dịch viên nhưng họ đều không được đào tạo ở cấp đại học. Chúng tôi cảm thấy rằng khả năng tiếp cận là vấn đề cốt lõi lớn nhất trong đó bao gồm khả năng tiếp cận nền giáo dục, tiếp cận với các thông dịch viên, tiếp cận với đền flash. Ví dụ, khi bạn bấm chuông cửa, những người điếc chúng tôi không nghe được, nhưng nếu bạn bấm một chiếc chuông cửa đặc biệt và đèn nháy sáng, bạn biết ngay là có ai đó đang ở cửa.”

Kể từ lần thực tập tại Malaysia năm 2010 đó, theo lời cô Winiarzyk, các dịch vụ cho người điếc đã được cải thiện.

“Tôi vẫn giữ liên lạc với một số người làm công việc vận động và liên quan tới luật pháp ở Malaysia qua Facebook. Phương pháp của tôi là làm việc với một vài người đến từ cộng đồng đó để họ có thể vận động cho chính nhu cầu và quyền lợi của mình và việc họ nhận ra được những nhu cầu đó thông qua thảo luận như thế nào.”

Giờ đây, cô Winiarzyk đang làm việc tại văn phòng Các vấn đề Quốc tế ở trường đại học Gallaudet. Cô chia sẻ:

“Tôi đã tới Chile, Argentina, và Việt Nam để thực hiện các dự án khác nhau liên quan tới phần mềm giáo dục. Dự án ở Chile đã đươc khởi động bằng phần mềm giáo dục dạy trẻ điếc đọc và viết này. Ban đầu, việc kêu gọi người điếc cùng tham gia vào dự án phát triển phần mềm quả là một thách thức. Nhưng một khi họ tham gia, họ đều cảm thấy rất thích thú. Và sau đó đã có một trường đại học muốn tham gia vào và cải thiện phần mềm giáo dục này.”

Cô Winiarzyk tiêu biểu cho một sự thay đổi tích cực mà những sinh viên tham gia chương trình này có thể đem lại cho các cộng đồng điếc trên khắp thế giới, theo lời bà Amy Wilson của trường Gallaudet:

“Chúng tôi có một sinh viên đến từ Jamaica. Cậu ấy đã rất bực bội về tình trạng thiếu thốn dịch vụ và quyền lợi mà người điếc ở Jamaica phải chịu. Trong khi cậu ấy ở Mỹ, những người điếc ở Jamaica không thể lái xe. Vì thế cậu ấy đã trở về Jamaica và làm việc với Hiệp hội Điếc Jamaica. Với tài lãnh đạo của mình, giờ đây những người điếc đã có được bằng lái xe. Chúng tôi còn một sinh viên khác đã tốt nghiệp và trở về Trung Quốc. Cô ấy là người Trung Quốc và hiện giờ đang làm việc với một trường đại học ở Trung Quốc dạy học sinh Trung Quốc làm thế nào để chúng có thể trở thành những người có khả năng thông qua ngôn ngữ và nghệ thuật. Còn có một sinh viên khác. Hiện giờ cậu ấy là chủ tịch Hiệp hội Điếc Quốc gia Kenya. Cậu ấy đã cùng tổ chức của mình tranh đấu để đưa NNKH Kenya trở thành ngôn ngữ chính thức thứ ba của Kenya trong hiến pháp, sau tiếng Swahili và tiếng Anh.”

Kể từ khi chương trình Phát triển Quốc tế của trường Gallaudet bắt đầu vào năm 2008, các sinh viên tốt nghiệp khóa học này và 30 người khác đã làm việc hết mình để đem lại nhận thức và dịch vụ tới cho người điếc và các cộng đồng khuyết tật trên khắp thế giới.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG