Đường dẫn truy cập

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn nhận tội khai man với FBI


Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn rời tòa án liên bang Hoa Kỳ ở Washington sau khi tuyên bố nhận tội khai man với FBI về những liên lạc của ông ta với đại sứ Nga, ngày 1 tháng 12, 2017.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn rời tòa án liên bang Hoa Kỳ ở Washington sau khi tuyên bố nhận tội khai man với FBI về những liên lạc của ông ta với đại sứ Nga, ngày 1 tháng 12, 2017.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Michael Flynn hôm thứ Sáu nhận tội khai man với FBI về những liên lạc với đại sứ Nga, và các công tố viên nói rằng ông ta đã tham khảo ý kiến của một quan chức cấp cao trong đội ngũ chuyển tiếp của ông Donald Trump trước khi nói chuyện với đại sứ.

Xuất hiện tại một tòa án ở trung tâm thành phố Washington, ông Flynn trở thành thành viên đầu tiên của chính quyền Trump nhận đã phạm một tội bị phanh phui trong một cuộc điều tra đặc biệt về những nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Flynn, cựu tướng Lục quân và thành viên trong ban vận động tranh cử của ông Trump, thừa nhận trong thỏa thuận nhận tội rằng ông ta đã đưa ra những phát biểu sai sự thật với Cục Điều tra Liên bang về những liên lạc của ông ta với Đại sứ Sergei Kislyak trước khi ông Trump nhậm chức.

Khai man với FBI có thể đưa tới án tù năm năm.

Quyết định của ông Flynn nhận tội và hợp tác với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đánh dấu một tiến triển quan trọng trong một cuộc điều tra đã đeo bám chính quyền Trump kể từ khi tổng thống Đảng Cộng hòa này nhậm chức.

Nhà Trắng nói lời nhận tội của Flynn hôm thứ Sáu đã chỉ liên quan tới ông ta mà thôi.

"Không có gì trong lời nhận tội hay cáo buộc liên quan đến ai khác ngoài ông Flynn," Ty Cobb, một luật sư của Nhà Trắng, nói trong một phát biểu hôm thứ Sáu.

Ông Flynn bị sa thải khỏi Nhà Trắng vào tháng 2 vì đã nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc trò chuyện với đại sứ Nga.

Các công tố viên nói rằng ông Flynn và ông Kislyak hồi tháng 12 năm ngoái đã bàn bạc về một tranh cãi ngoại giao về các chế tài kinh tế mà Washington đã áp đặt lên Moscow và một cuộc biểu quyết sắp tới tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được xem là có hại cho Israel.

Ông Flynn thú nhận đã khai man với các quan chức FBI vào tháng 1 rằng ông ta không yêu cầu đại sứ tránh leo thang tranh cãi ngoại giao về các chế tài của Mỹ nhắm vào Moscow.

Chính quyền Obama, khi đó vẫn đang tại nhiệm, đã áp đặt các chế tài lên Moscow vì can thiệp vào cuộc bầu cử.

Ông Flynn cũng nói dối về việc yêu cầu đại sứ giúp trì hoãn một cuộc biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được xem là gây tổn hại tới Israel.

Ông Flynn đã tham vấn một thành viên cao cấp trong đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump về việc nên "trao đổi gì với đại sứ Nga về các chế tài của Mỹ," các công tố viên cho biết trong một văn kiện tòa án.

Ông Flynn đã gọi điện thoại cho một quan chức cao cấp của đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump, người có mặt với các thành viên khác trong đội ngũ tại khu điền trang Mar-a-Lago ở Florida, các công tố viên cho biết.

"Ông Flynn gọi điện thoại cho đại sứ Nga và yêu cầu Nga không leo thang tình hình và chỉ đáp lại những chế tài của Mỹ một cách đối ứng," văn kiện nói. Văn kiện không nêu tên quan chức cấp cao trong đội ngũ của ông Trump.

Ông ta là cựu phụ tá thứ hai của ông Trump bị buộc tội trong cuộc điều tra. Cuộc điều tra của ông Mueller và một số cuộc điều tra của quốc hội về vụ việc đã đeo bám chính quyền Trump kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào ngày 20 tháng 1.

Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông Flynn gây chú ý với những luận điệu hằn học nhắm vào ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton với khẩu hiệu “Lock Her Up” (Nhốt bà ta lại) liên quan tới việc bà sử dụng máy chủ email cá nhân khi còn là ngoại trưởng Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG