Đội cứu hộ Việt Nam tham gia nỗ lực quốc tế cứu hộ các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ ‘có tinh thần quyết tâm cao’ và ‘làm việc rất kỷ luật’ trong lúc người dân nước này đang phải gánh chịu ‘đau thương khủng khiếp’, một tình nguyện viên Việt Nam nói với VOA.
Cho đến nay, trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 6/2 đã cướp trên 46.000 sinh mạng ở cả hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đẩy hàng triệu người vào cảnh mất nhà cửa, theo thống kê mới nhất của hãng tin AP.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã có 65 nước trên thế giới tham gia vào nỗ lực cứu hộ quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính mới đây đã loan báo nước này sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mỗi nước 100.000 đô la Mỹ.
Lực lượng Việt Nam triển khai đến Thổ Nhĩ Kỳ gồm 100 lính cứu hộ của cả hai lực lượng của công an (24 người) và quân đội (76 người). Đây được cho là ‘thành phần tinh nhuệ nhất, được đào tạo tốt nhất và dày dạn kinh nghiệm nhất’ trong đội lính cứu hộ của Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
Từ thành phố Adiyaman, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất và là địa bàn làm việc chính của các đội cứu hộ Việt Nam, ông Bùi Xuân Mai, một tình nguyện viên, đã kể về những gì mà ông đã tận mắt chứng kiến trong hơn một tuần lễ tháp tùng đội cứu hộ Việt Nam đi khắp vùng thảm họa.
‘Thành phố chết’
“Sức tàn phá của trận động đất thật khủng khiếp. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu đau thương, mất mát rất lớn,” ông Mai, người đã định cư ở Istanbul 14 năm sau thời gian du học ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Ankara, cho biết.
Theo lời ông mô tả thì ‘không còn gì đứng vững ở vùng động đất’ với ‘các khu phố, ngân hàng, cửa hàng đều sập hết’.
“Trước cảnh đổ nát đó hãy thử tưởng tượng mới hơn hai tuần trước đây trẻ con vẫn đang đi chơi, phụ nữ vẫn đi mua sắm và đàn ông đang đi uống trà, nói chuyện. Giờ đây chỉ là một thành phố chết,” ông nói và bày tỏ sự thương xót.
Ở những khu vực ông đi qua, ‘100% người dân đã rời khỏi nhà cửa của họ và hiện sống trong các lều bạt, lán trại do Nhà nước cung cấp’, ông nói và cho biết hiện giờ vấn đề nghiêm trọng nhất đối với các nạn nhân là ‘chưa có nước sinh hoạt’. “Bản thân chúng tôi 7 ngày chỉ có tắm một lần thôi,” ông nói.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức nấu thức ăn phân phát cho nạn nhân và phát cho họ chăn màn quần áo. Các túi cứu trợ ‘có đầy đủ gạo, đồ hộp, gia vị…’, cũng theo lời người phiên dịch này.
“Các nạn nhân ai cũng cảm ơn và cầu Thánh Allah phù hộ cho tất cả chúng tôi, nhưng tôi biết trong lòng họ đang chịu nỗi đau rất lớn,” ông Mai nói.
Về thương vong của cộng đồng người Việt trong trận động đất, ông Mai cho biết người Việt sống trong vùng không nhiều, chủ yếu là một số phụ nữ đi lấy chồng, cho nên cho đến giờ chưa ghi nhận có người Việt Nam nào thương vong trong trận động đất.
Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã đến thăm hỏi hai người phụ nữ Việt sống trong vùng, ông Mai cho biết. Họ may mắn sống ngoài vùng tâm chấn nên nhà cửa chỉ bị rung lắc và nứt gãy nhẹ, không bị thiệt hại gì nhiều. Tuy nhiên, người thân và họ hàng bên chồng của họ có người thiệt mạng nên họ ‘bị sốc về tâm lý, tinh thần hoảng loạn’.
Ông Mai nói phái đoàn Việt Nam đã trao cho họ quần áo ấm, chăn màn, các thùng mì gói và ‘chuyển lời thăm hỏi của Đại sứ quán Việt Nam’. “Họ rất cảm động vì ở nơi xa xôi thế mà vẫn có người Việt cố gắng đến thăm và động viên tinh thần,” ông nói.
Theo lời kể của ông Mai thì gia đình các phụ nữ người Việt này ‘trồng hạt dẻ, hạt hạnh nhân các thứ’ để đem lên bán ở thành phố Adiyaman để kiếm sống. Giờ thành phố sập hết rồi thì họ cũng bị mất đi nguồn sống.
‘Cứu hộ quyết tâm’
Về công tác cứu hộ của Việt Nam, ông Mai, với tư cách là tình nguyện viên phiên dịch đã đi theo đoàn đi từ những ngày đầu, nhận định các lính cứu hộ được Việt Nam gửi qua ‘toàn là những chiến sỹ có kinh nghiệm, dày dạn, bản lĩnh’.
Theo lời ông thì sau trận động đất hai ngày thì có mưa, sau đó trời đổ tuyết, đến ngày sau đó thì đường sá tắc nghẽn, khiến đoàn cứu hộ Việt Nam phải mất 9 tiếng đi từ sân bay mới tiếp cận được hiện trường.
Đoàn Việt Nam mang theo những thiết bị cứu hộ ‘rất nhà nghề’, so với những nước tiên tiến khác thì ‘không chênh lệch gì nhiều’, ông Mai, vốn cũng làm việc với các đội cứu hộ Mỹ, cho biết.
“Nơi chúng tôi làm việc cực kỳ khắc nghiệt, âm đến tận 7 độ C. Chúng tôi phải ngủ trong lều bạt dã chiến trong sân trường, ở dưới là bê tông. Ngủ trong đấy rất là lạnh,” ông Mai mô tả.
Ông cho biết do trong vùng động đất không còn gì nên đoàn cứu hộ Việt Nam ‘phải chủ động toàn bộ các thứ từ mì tôm cho đến cả muối tiêu’.
Theo lời ông thì đoàn Việt Nam được đích thân các bộ trưởng giao nhiệm vụ và vượt quãng đường 9 ngàn cây số sang Thổ Nhĩ Kỳ nên ‘làm việc rất quyết tâm’. Ông dẫn chứng một lính cứu hộ tên Thành ‘tiếp cận được người sống sót’ trong ngày làm việc đầu tiên đã ‘làm việc liên tục ba ca không nghỉ, chỉ nghỉ để ăn thôi’.
Ông nói mỗi đội cứu hộ được giao cho một khu vực tiếp cận và có những đội chuyên tìm kiếm sự sống và có những đội chuyên tìm kiếm thi thể.
Tình nguyện viên này cho biết có một ngôi nhà sập mà đoàn Việt Nam đã phải làm việc liên tục từ 8h sáng đến 8h tối mới đưa được toàn bộ các thi thể ra ngoài.
“Chúng tôi đã đào được một gia đình xấu số ở đấy. Họ chạy tới cửa rồi, gồm có người bố, người mẹ và hai con nhỏ,” ông nói.
Kỷ luật là rất quan trọng trong công tác cứu hộ để đảm bảo an toàn cho cả nạn nhân lẫn nhân viên cứu hộ, ông cho biết và nói rằng ông ‘đánh giá cao tinh thần kỷ luật của đội cứu hộ Việt Nam’. “Chúng tôi phải tính toán cách tiếp cận hiện trường sao cho an toàn và phải biết cách phối hợp với các ê-kíp khác,” ông nói.
“Thí dụ như chúng tôi đào bới những tòa nhà 8 tầng với ba lốc. Chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi thì những thanh sắt, những cục bê tông sẽ đâm vào người,” ông Mai mô tả.
Theo diễn tả của ông thì nếu có nhân viên cứu hộ đang đào sâu mà ở ngoài ai đó lỡ làm gì đó rung lắc thì cả khối bê tông sẽ đổ xuống chôn vùi nhân viên cứu hộ đấy.
Những ngày đầu tiên làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, đội cứu hộ Việt Nam đã phối hợp cùng đội Pakistan tìm thấy và cứu sống một thiếu niên 17 tuổi từ dưới đống đổ nát của một tòa nhà bốn tầng, báo chí Việt Nam đưa tin.
Ông Mai kể lúc đó Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt trực tiếp để theo dõi và mọi người ‘rất xúc động khi đưa được em trai đó ra ngoài’.
‘Phải có trách nhiệm’
Về phần mình, ông Bùi Xuân Mai cho biết ông đã phải xin nghỉ việc tạm thời ở công ty du lịch của ông ở Istanbul và để vợ ở nhà một mình để tham gia cứu hộ. Thậm chí ông đã bỏ tiền túi để đổi chuyến bay lên sớm hơn để có thể đến kịp với đoàn cứu hộ Việt Nam.
“Tôi muốn đi sớm để đến được sớm bao nhiêu thì hỗ trợ được mọi người bấy nhiêu,” ông giãi bày.
“Mình sống ở đây ngần ấy năm như vậy, mình có công ăn việc làm như vậy thì khi đất nước này có những sự kiện tang thương thì mình nghĩ mình nên đóng góp một chút sức lực nhỏ trong khả năng mình như là hỗ trợ ngôn ngữ,” ông Mai bày tỏ.
Theo lời ông thì ngay sau khi thảm họa xảy ra, người dân ở Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, ‘đều chung tay quyên góp nhu yếu phẩm, từ người già cho đến thanh niên’ và ‘tất cả các cơ quan chính quyền và các tổ chức phi chính phủ đều vào cuộc’.
“Bên công ty tôi mỗi người bỏ ra tối thiếu một tuần lương để quyên góp,” ông kể. “Chúng tôi còn đi xin các nhà máy các loại vải dày để may mấy trăm bộ quần áo mùa đông gửi đến các tổ chức cứu trợ để từ đó họ phân phát cho các nạn nhân’.
Diễn đàn