Đường dẫn truy cập

Cựu quan chức quốc hội VN: Covid-19 không ảnh hưởng đến bầu cử


Áp phích cổ động bầu cử ở Hà Nội hồi năm 2016, thời không có đại dịch.
Áp phích cổ động bầu cử ở Hà Nội hồi năm 2016, thời không có đại dịch.

Giữa lúc số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh ở Việt Nam trong mấy ngày nay, một nhà hoạt động đề xuất nên bầu cử quốc hội qua thư, nhưng một cựu quan chức quốc hội cho rằng số ca nhiễm chưa đến mức đáng kể để ảnh hưởng đến bầu cử.

Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết vào sáng 11/5, cả nước có tổng cộng 2.056 ca nhiễm ghi nhận trong nước và 1.433 ca nhập cảnh. Trong đó, số ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 486 ca.

Cùng với các tin tức về tình trạng lây nhiễm cao hơn hẳn so với trước, gây lo ngại cho người dân, báo chí và trang web của quốc hội cũng tường thuật về nhiều buổi tiếp xúc cử tri của các lãnh đạo Việt Nam và của các ứng cử viên khác, qua các hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Theo lịch do quốc hội khóa trước ấn định, cuộc bỏ phiếu để bầu ra quốc hội khóa mới sẽ diễn trong chưa đầy 2 tuần nữa, vào Chủ nhật 23/5.

Nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Lân Thắng nêu đề xuất rằng xét đến tình hình dịch bệnh lây lan, quốc hội nên tính phương án bỏ phiếu qua thư. Ông nói thêm với VOA:

“Đó là một mong ước tìm một phương cách nào đó để tránh cho người dân phải đi lại trong việc bầu cử. Nó có thể qua hình thức điện tử hoặc qua thư”.

... tôi chỉ nói vậy thôi chứ thực ra tôi không có ý tạo ra một thỉnh nguyện thư tập thể. Bây giờ họ muốn làm gì thì họ làm thôi, còn hậu quả nó sẽ xảy ra.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng


Ông Thắng tiên liệu rằng việc bỏ phiếu qua thư không chỉ giảm rủi ro cho cử tri mà còn giúp tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, thực hiện như vậy sẽ làm mất đi bầu không khí mà chính quyền Việt Nam thường mô tả bằng cụm từ “ngày hội cử tri đi bầu”, ông Thắng nói.

Khi được hỏi liệu ông và những người ủng hộ ý tưởng bầu cử qua thư sẽ gửi một kiến nghị chính thức đến quốc hội hay không, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói:

“Chúng tôi từng có nhiều kiến nghị về những điều quan trọng như Hiến pháp, môi trường hay bảo vệ cây xanh, v.v… Nhưng bao nhiêu năm nay, nhà nước luôn coi đó là hành động thù địch và đàn áp. Cho nên tôi chỉ nói vậy thôi chứ thực ra tôi không có ý tạo ra một thỉnh nguyện thư tập thể. Bây giờ họ muốn làm gì thì họ làm thôi, còn hậu quả nó sẽ xảy ra”.

VOA cố gắng liên lạc với Văn phòng Quốc hội Việt Nam với mong muốn tìm hiểu xem cơ quan này có tính đến phương án bầu cử qua thư hay không trong trường hợp dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, nhưng không nhận được hồi đáp.

Với hiểu biết và kinh nghiệm của mình, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, cho biết rằng tuy Hội đồng Bầu cử của quốc hội chỉ đạo các công việc về bầu cử, song việc tổ chức bầu cử là trách nhiệm của chính quyền ở từng địa phương.

... có một số tỉnh có số ca dương tính nhiều lên thì đã có biện pháp là có phòng phiếu riêng cho những người đó, những người bị cách ly đó, tôi cho rằng việc đó làm rất là tốt. Ở Việt Nam, tình hình bây giờ phải dùng chữ là chưa có gì lan truyền mạnh mẽ trong xã hội.
Ông Trần Quốc Thuận, cựu quan chức quốc hội


Căn cứ vào thông tin ông có được, cựu quan chức Văn phòng Quốc hội lưu ý với VOA rằng số ca nhiễm ở Việt Nam hiện nay chưa chiếm một tỷ lệ đáng kể trong xã hội, vì vậy, ông Thuận nhận định rằng nhà chức trách chưa tính đến giải pháp gì ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân là ứng cử, bầu cử. Ông nói thêm:

“Bây giờ, có một số tỉnh có số ca dương tính nhiều lên thì đã có biện pháp là có phòng phiếu riêng cho những người đó, những người bị cách ly đó, tôi cho rằng việc đó làm rất là tốt. Ở Việt Nam, tình hình bây giờ phải dùng chữ là chưa có gì lan truyền mạnh mẽ trong xã hội. Với tình huống cao điểm, các biện pháp đó cũng đủ sức để tổ chức bầu cử an toàn, chưa phải là bị ngừng ngay toàn bộ cuộc bầu cử”.

Trong quan điểm của vị cựu quan chức quốc hội, ý tưởng bầu cử qua thư hiện “chưa thỏa đáng, chưa phù hợp với tình hình đang diễn ra ở Việt Nam”.

Trả lời phỏng vấn riêng rẽ với VOA, cả luật sư Trần Quốc Thuận lẫn nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đều chỉ ra một vấn đề tiềm tàng nếu Việt Nam phải tổ chức bỏ phiếu qua thư, đó là những khó khăn về mặt hạ tầng bưu chính, nhất là đối với những cử tri sống ở vùng sâu vùng xa.

Vào ngày 23/5, khi bầu cử diễn ra, các công dân Việt Nam sẽ chọn ra 500 đại biểu của quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước về mặt lý thuyết.

Trên thực tế, Trung ương Đảng Cộng sản mà đặc biệt là Bộ Chính trị là nơi đưa ra các quyết sách cũng như quyết định về nhân sự cấp cao của Việt Nam trước khi chuyển sang quốc hội để hợp thức hóa về mặt hình thức.

VOA Express

XS
SM
MD
LG