Đường dẫn truy cập

Cựu Tổng thống Philippines Aquino, một ngôi sao dân chủ, vừa qua đời


Các chị em cựu Tổng thống Philippines Aquino họp báo cho biết ông qua đời, 24/6/2021.
Các chị em cựu Tổng thống Philippines Aquino họp báo cho biết ông qua đời, 24/6/2021.

Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III mới qua đời, thọ 61 tuổi. Ông là con trai của hai nhân vật biểu tượng về dân chủ đã góp phần lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos. Ông cũng là người bảo vệ cho nền quản trị tốt, và ông đã kiện các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Gia đình của ông Aquino cho biết tại một cuộc họp báo rằng ông ra đi trong giấc ngủ hồi sáng sớm hôm thứ Năm 24/6 do "suy thận thứ phát liên quan đến tiểu đường". Một cựu quan chức thuộc nội các trước đây, Rogelio Singson, cho hay rằng ông Aquino đã chạy máy lọc máu và đang chuẩn bị để ghép thận.

Rất nhiều lời chia buồn được gửi đến từ các chính trị gia, Giáo hội Công giáo cũng như nhiều tổ chức và cá nhân khác, bao gồm cả chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte và Thượng nghị sĩ Imee Marcos, con gái của nhà độc tài quá cố. Cờ Philippines được treo rủ tại các tòa nhà chính phủ.

"Chúng tôi đau buồn vì Tổng thống Aquino qua đời và sẽ luôn biết ơn về mối quan hệ đối tác của chúng ta", Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Mỹ bày tỏ trong một tuyên bố.

Ông Aquino nắm chức tổng thống Philippines từ năm 2010 đến năm 2016. Ông là người thừa kế của một gia đình được coi là một thành trì chống lại chủ nghĩa độc tài ở Philippines.

Cha của ông, cựu Thượng nghị sĩ Benigno Aquino Jr., đã bị sát hại vào năm 1983 trong khi bị quân đội giam giữ tại sân bay quốc tế Manila, nơi đây hiện nay mang tên của vị thượng nghị sĩ. Mẹ của ông, Corazon Aquino, đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người dân hồi năm 1986, lật đổ ông Marcos. Cuộc nổi dậy được quân đội hậu thuẫn đã trở thành hình mẫu cho những cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại các chế độ độc tài trên toàn thế giới.

Là con nhà nòi trong một gia tộc chính trị giàu có sở hữu nhiều đất đai ở miền bắc Philippines, ông Aquino - còn được nhiều người dân Philippines gọi trìu mến là Noynoy hoặc Pnoy - đã xây dựng nên một hình ảnh là chính trị gia không thể bị tha hóa, là người chiến đấu chống nghèo đói, và khó chịu về sự thái quá, vô độ của tầng lớp tinh hoa của đất nước, kể cả các chính trị gia nhiều quyền lực.

Gia đình của ông Aquino phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ trong thời kỳ ông Marcos cai trị đất nước.

Khi ông Aquino lên nắm quyền tổng thống, ông đã có mối quan hệ sóng gió với Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc chiếm giữ một bãi cạn trong vòng tranh chấp hồi năm 2012 sau một giai đoạn đối đầu căng thẳng ở Biển Đông, ông Aquino ra quyết định nộp đơn kiện ra một tòa trọng tài quốc tế, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, vùng biển có tầm quan trọng chiến lược. Trung Quốc nói yêu sách của họ dựa trên cơ sở lịch sử.

Về cơ bản, Philippines đã giành chiến thắng. Nhưng Trung Quốc đã từ chối tham gia quá trình phân xử bằng trọng tài và bác bỏ phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài. Tòa này căn cứ vào một công ước của LHQ về hàng hải năm 1982 và phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô hiệu. Vụ kiện của ông Aquino và phán quyết kể trên đã đẩy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Sinh năm 1960, là con thứ ba trong số năm người con, ông Aquino chưa bao giờ kết hôn và không có con cái. Tốt nghiệp ngành kinh tế, ông đã theo nghiệp kinh doanh trước khi bước vào chính trị.

Ông Aquino luôn có chỉ số tín nhiệm cao trong nhiệm kỳ duy nhất của ông, kéo dài 6 năm và kết thúc vào năm 2016. Tạp chí TIME ghi nhận ông Aquino là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2013, họ ca ngợi ông về việc ổn định nền kinh tế và dũng cảm đối đầu với Trung Quốc trong các chấp về Biển Đông.

Sau khi rời chức vụ, ông Aquino tránh xa đời sống chính trị và sống một cách kín đáo.

Sau khi ông qua đời, những người thân còn sống của ông gồm bốn chị em.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG