Đường dẫn truy cập

Các lãnh đạo thế giới gọt giũa các biện pháp trừng phạt chống lại Nga


Hệ thống pháo phản lực di động của Nga bị tiêu diệt ở Kharkiv, Ukraine, 25/2.
Hệ thống pháo phản lực di động của Nga bị tiêu diệt ở Kharkiv, Ukraine, 25/2.

Khi quân lính Nga tràn vào và bom đạn Nga dội xuống Ukraine trong ngày đầu tiên của cuộc xâm lược, các nhà lãnh đạo thế giới hôm thứ Sáu 25/2 bắt đầu gọt giũa phản ứng của họ nhằm trừng phạt nền kinh tế Nga và các nhà lãnh đạo của nước này, bao gồm cả giới những nhân vật thân tín của Tổng thống Vladimir Putin.

Mặc dù các nước nhận thức rõ ràng rằng khó có thể can thiệp quân sự, song hiện tại, sức mạnh, sự thống nhất và tốc độ của các biện pháp trừng phạt tài chính báo hiệu một quyết tâm ngày càng tăng trên toàn cầu nhằm khiến Moscow phải xem xét lại cuộc xâm lược của họ.

Không tham gia việc trừng phạt là Trung Quốc, một nước ủng hộ Nga mạnh mẽ.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 25/2 nói Pháp và các đồng minh châu Âu quyết tâm gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế Nga và trừng phạt Nga vì "quyết định ngu ngốc của Vladimir Putin" bằng "các biện pháp trừng phạt quy mô lớn và ngay lập tức".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp và các đồng minh đã quyết định trừng phạt thêm các cá nhân người Nga, cũng như áp đặt các hình phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng và các lĩnh vực khác. Các văn bản pháp lý về các lệnh trừng phạt sẽ được hoàn thiện và trình lên các ngoại trưởng EU phê duyệt vào cuối ngày 25/2.

Ông Macron cũng cho biết EU đã quyết định viện trợ kinh tế cho Ukraine với số tiền "chưa từng có" là 1,5 tỷ euro (1,68 tỷ đô la Mỹ).

Các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương tham gia cùng với Hoa Kỳ, 27 quốc gia Liên hiệp châu Âu và các quốc gia khác ở phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và các công ty hàng đầu của Nga. Các quốc gia cũng đã thiết lập các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm mục đích không cho các ngành công nghiệp và quân sự của Nga mua hàng bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác.

“Nhật Bản phải thể hiện rõ lập trường rằng chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”, Thủ tướng Fumio Kishida nói với các phóng viên hôm 25/2 trong khi công bố các biện pháp trừng phạt mới bao gồm phong tỏa visa và tài sản của các tập đoàn, ngân hàng và cá nhân người Nga, cũng như đình chỉ giao hàng bán dẫn và các hàng hóa bị hạn chế khác cho các tổ chức có liên quan đến quân đội Nga.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã công bố các lệnh cấm đi lại nhằm vào các quan chức Nga và các biện pháp khác.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết quốc gia của ông sẽ tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng sẽ không xem xét các lệnh trừng phạt đơn phương.

Hôm 25/2, Đài Loan thông báo rằng họ sẽ tham gia vào các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga, mặc dù họ không nói rõ đó là các biện pháp như thế nào.

Trong khi hầu hết các quốc gia ở châu Á tập hợp ủng hộ Ukraine, Trung Quốc vẫn tiếp tục lên án các lệnh trừng phạt chống Nga và đổ lỗi rằng cho Hoa Kỳ và các đồng minh đã khiêu khích Moscow.

Tại Liên Hiệp Quốc, các quan chức quyết định cấp 20 triệu đô la để thúc đẩy các hoạt động nhân đạo của LHQ ở Ukraine. Ngoài ra, Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ bỏ phiếu trong ngày 25/2 về nghị quyết lên án Nga và yêu cầu rút toàn bộ lực lượng của họ ngay lập tức. Tuy nhiên, Moscow chắc chắn sẽ phủ quyết.

Phương Tây và các đồng minh cho thấy họ không có dự định đưa quân vào Ukraine - một quốc gia không phải là thành viên của NATO - và không muốn có nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở châu Âu. Nhưng NATO cũng tăng cường phòng thủ ở các quốc gia thành viên của khối ở Đông Âu để đề phòng một cuộc tấn công nhằm vào họ.

(AP)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG